15 ông chủ giàu nhất của các đội bóng rổ thuộc Giải Nhà nghề Mỹ NBA có tổng giá trị tài sản lên đến hơn 120 tỷ USD, với người đứng đầu là cựu CEO Microsoft Steve Ballmer.

Michael Jordan - Charlotte Hornets (1,9 tỷ USD): Huyền thoại bóng rổ này kiếm được phần nhiều của cải nhờ vào các hợp đồng quảng cáo với những tên tuổi lớn như Coca-Cola hay McDonald. Ông cũng hợp tác với Nike để cho ra đời thương hiệu Jordan nổi tiếng. Ảnh: Reuters.

Anthony Ressler - Atlanta Hawks (2,7 tỷ USD): Tỷ phú Ressler đã đồng sáng lập của 2 quỹ đầu tư Ares vào năm 1987 và Apollo vào năm 1990. Ông sở hữu Atlanta Hawks vào năm 2015. Ảnh: Getty.

Michael Rubin - Philadelphia 76ers (2,9 tỷ USD): Rubin đã khởi nghiệp ở lứa tuổi thiếu niên khi mở cửa hàng bán dụng cụ trượt tuyết ở bang Pennsylvania, Mỹ. Sau khi công việc kinh doanh phát đạt, ông thành lập công ty KPR chuyên bán lẻ hàng thể thao, và công ty thương mại điện tử GSI Commerce. Năm 2011, Rubin bán GSI Commerce cho eBay với giá 2,4 tỷ USD. Ảnh: AP.

Glen Taylor - Minnesota Timberwolves (3 tỷ USD): Tỷ phú Taylor mua lại công ty dịch vụ đám cưới Carlson vào năm 1975 với giá 2 triệu USD và biến nó thành công ty in ấn, điện tử Taylor Corporation như ngày nay. Ông từng là thượng nghị sĩ của bang Minnesota từ năm 1981 đến 1990. Ảnh: Getty.

Gayle Benson - New Orleans Pelicans (3,1 tỷ USD): Nghề nghiệp đầu tiên của bà là thiết kế nội thất. Sau khi người chồng thứ 3 Tom Benson qua đời vào năm 2018, bà thừa kế New Orleans Pelicans, và cả đội bóng bầu dục New Orleans Saints. Ảnh: Getty.

Mark Cuban - Dallas Mavericks (4,1 tỷ USD): Vị giám khảo Shark Tank phiên bản Mỹ này đồng sáng lập Broadcast.com vào năm 1995, và bán cho Yahoo 4 năm sau với giá 5,7 tỷ USD. Kể từ đó, Cuban đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như nhà phân phối phim Magnolia Pictures, hay công ty chăm sóc sức khỏe bà mẹ Mahmee. Ảnh: Getty.

Joshua Harris - Philadelphia 76ers (4,3 tỷ USD): Tỷ phú Harris bắt đầu sự nghiệp trong ngành ngân hàng đầu tư vào những năm 1980. Sau đó ông đồng sáng lập quỹ đầu tư Apollo. Bên cạnh bóng rổ, ông cũng có cổ phần tại CLB Crystal Palace tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Ảnh: AP.

Tilman Fertitta - Houston Rockets (4,8 tỷ USD): Tỷ phú Fertitta được Forbes mô tả là người kinh doanh nhà hàng giàu nhất thế giới. Tập đoàn Landrys của ông sở hữu hàng loạt thương hiệu quán ăn, nhà hàng nổi tiếng như Bubba Gump Shrimp, Rainforest Cafe, hay Morton's The Steakhouse. Ảnh: Getty.

Tom Gores - Detroit Pistons (5,6 tỷ USD): Sau một thời gian hoạt động trong ngành viễn thông, Gores thành lập tập đoàn đầu tư Platinum Equity vào năm 1995, và nhanh chóng kiếm được những khách hàng danh tiếng như Motorola, Fujitsu và Alcatel. Ảnh: Getty.

Dan Gilbert - Cleveland Cavaliers (6,5 tỷ USD): Sau khi tốt nghiệp đại học, Gilbert đồng sáng lập công ty cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ Quicken Loans vào năm 1985. Ông cũng thành lập chuỗi trung tâm giải trí Rock Gaming, đồng thời sở hữu nhiều sòng bạc tại các bang Ohio, Kentucky, Maryland, và Michigan. Ảnh: Getty.

Robert Pera - Memphis Grizzlies (7,1 tỷ USD): Pera từng làm việc cho Apple, sau đó rời đi vào năm 2005 để toàn tâm vào công ty Ubiquiti Networks mà ông thành lập. Ubiquiti Networks là một trong những nhà tiên phong về công nghệ Wi-Fi trên toàn thế giới. Ảnh: AP.

Ann Walton Kroenke - Denver Nuggets (7,8 tỷ USD): Bà là một trong những người thừa kế của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Walmart. Chồng bà là tỷ phú bất động sản Stan Kroenke - ông chủ CLB bóng đá Arsenal ở giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: Getty.

Micky Arison - Miami Heat (7,8 tỷ USD): Arison bỏ học đại học để tham gia vào công ty chuyên bán tàu thuyền Carnival Corporation của cha mình, và trở thành CEO vào năm 1979. Hiện Carnival Corporation là nhà điều hành tàu du lịch lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Joseph Tsai - Brooklyn Nets (9,7 tỷ USD): Ông là một trong những người đầu tiên của "đế chế" bán lẻ Alibaba khi tập đoàn này được thành lập vào năm 1999. Hiện Tsai là cổ đông lớn thứ 2 tại Alibaba, chỉ sau Jack Ma. Ảnh: Reuters.

Steve Ballmer - Los Angeles Clippers (51,4 tỷ USD): Ballmer là người giàu thứ 16 trên thế giới. Ông là thành viên thứ 30 của Microsoft khi gia nhập gã khổng lồ công nghệ này vào năm 1980. Ballmer trở thành CEO vào năm 2000 và từ chức vào năm 2014. Ảnh: Getty.

Minh Đức (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.