Mỗi ngày mất 8 tiếng đi làm, 8 tiếng ngủ, hãy tận dụng thời gian còn lại để phát triển bản thân - con đường giúp bạn ổn định tiền bạc hiệu quả nhất.

1. Đầu tư vào bản thân

Đầu tư tốt nhất cho tương lai là đầu tư vào bản thân. Bạn càng sớm nhận ra điều này càng tốt, bởi vì nên trải nghiệm nhiều thứ khác nhau khi bạn còn trẻ, còn có thể.

Dĩ nhiên, sự đầu tư nên ưu tiên vào học tập và trải nghiệm mới. Đọc sách, tham gia các khóa học trực tuyến, lấy các chứng chỉ hoặc đăng ký các chương trình phát triển bản thân... đều là những lựa chọn tuyệt vời. Càng đầu tư vào bản thân, bạn càng thăng hạng giá trị.

2. Tận dụng thời gian để nâng cao kỹ năng

Trung bình mỗi người làm việc 8 giờ, ngủ 8 giờ và có 8 giờ để làm các việc khác trong ngày. Chúng ta bán thời gian làm việc để có thu nhập và duy trì sức khỏe qua giấc ngủ, nên khó có thể rút ngắn giờ này. Vì thế cách duy nhất để mình tốt hơn là tận dụng 8 giờ còn lại một cách khôn ngoan. Làm điều gì đó hữu ích trong thời gian này, ví như nắm vững các kỹ năng, hay học thêm kỹ năng mới, thay vì ngủ hay lướt mạng xem những thứ vô bổ.

3. Cẩn thận cho bạn bè và người thân vay tiền

Ai cũng muốn lấy lại số tiền mình đã cho vay. Nhưng vấn đề là người vay có thể nghĩ khác, họ chây ì không trả, thậm chí không muốn trả. Không ít mối quan hệ đã đi đến hồi kết vì vay mượn. Bạn không nên cho vay tiền hoặc chí ít nên giao hẹn trả trước khi chuyển tiền của mình sang ví của người khác.

4. Chi tiêu ít hơn, bạn sẽ tự do, linh hoạt hơn

Các bài viết về sự giàu có thường khuyên nên chi tiêu ít hơn. Mẹo này thực sự có ý nghĩa. Chỉ cần tưởng tượng có một công việc chán ngắt, một nơi sống bí bách mà bạn lại không có tiền nên không dám thay đổi...

Vì thế hãy tiết kiệm. Số dư tài khoản càng tăng, cuộc sống bạn càng linh hoạt. Từng bước, bạn có thể làm những việc thực sự quan trọng cho mình.

5. Thực hiện quy tắc 24 giờ

Nhiều lúc chúng ta mua sắm vì cảm xúc, chứ không phải cần thiết. Để cắt giảm chi phí không thực sự cần, bạn nên tuân theo quy tắc 24 giờ. Hãy đợi một ngày rồi mới mua hàng. Cảm xúc sẽ dịu xuống và cuối cùng bạn có thể nhận ra mình có muốn món đồ đó không. Một khi áp dụng quy tắc này bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng đồ đạc đã tránh phải rước về nhà.

6. Mỗi ngày dành một phút kiểm tra chi tiêu

Thủ thuật này đơn giản nhưng cho phép bạn kiểm soát chi phí hàng ngày. Mỗi ngày, hãy dành một phút nhớ lại những khoản bạn đã tiêu. Điều này cho phép bạn sớm phát hiện những chi phí không cần thiết, giữ lại được nhiều tiền trong ví, cũng như xác định số tiền bạn cần tiêu mỗi ngày.

7. Trước mỗi lần mua hãy so sánh

Một cách nữa để tránh mua sắm vô tội vạ là so sánh. Ví dụ, khi thấy một chiếc áo len cashmere tuyệt đẹp nhưng bạn không cần nó lắm hoặc giá quá cao, hãy nghĩ: Có phải chiếc áo len này quan trọng hơn một kỳ nghỉ vào mùa hè tới?

8. Hạn chế mua đồ giảm giá

Các shop tung nhiều mánh khóe khác nhau khiến chúng ta mua những thứ không thực sự cần. Điều đáng ngạc nhiên, hầu hết chúng ta biết các thủ thuật tiếp thị nhưng vẫn muốn "sập bẫy" vì tin rằng mình được hời.

Để ngừng rơi vào những mánh khóe này, bạn cần hiểu: Họ thường chỉ giảm giá là những sản phẩm mùa trước hoặc chất lượng không tốt. Cuối cùng nhà sản xuất là bên có lợi nhất trong giao dịch này.

9. Đi mua sắm một mình

Đi mua sắm với bạn bè, chắc chắn bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn, do ghé thăm nhiều nơi, nhận được nhiều cổ vũ. Hơn nữa, tâm lý chung của nhiều người là muốn mình bằng bạn bằng bè, nên thường sẽ chi nhiều tiền hơn.

Vì thế khi gặp bạn bè hãy đi công viên, cà phê thay vì cùng mua sắm. Cũng đừng bao giờ lấy mua sắm để giải khuây.

10. Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực về tiền bạc

Khi bạn tự lập trình mình không thể kiếm được nhiều tiền thì chắc chắn không có tiền. Nếu không tin mình thành công, bạn sẽ nhanh chóng thấy mệt mỏi và nghĩ tất cả việc mình làm đều vô nghĩa.

Nhiều người đặt niềm tin vào suy nghĩ tích cực, thứ được gọi là luật hấp dẫn. Tức là khi bạn tin mình giàu thì bạn sẽ có quyết tâm, động lực để làm điều này. Đây không phải là suy nghĩ viển vông mà còn liên quan tới tâm lý, hành vi.

Điều gì quyết định mức độ hạnh phúc và niềm vui của bạn? Nghĩ chậm lại, bạn sẽ nhận ra đó không phải là tiền, mà là khả năng tận hưởng những thứ bạn đã có. Khi thực sự hiểu nguyên tắc này, bạn sẽ ngừng xem việc theo đuổi tiền bạc là mục tiêu cuối cùng trong cuộc đời và sẽ biết chính xác những gì mình muốn làm.

Bảo Nhiên (VNE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.