Zing giới thiệu bài viết của Lana Trần. Tốt nghiệp Cử nhân Marketing tại Webster University (Mỹ), Lana Trần có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, marketing với các ngành hàng xe hơi, tiêu dùng nhanh (FMCG).

Khi sự xa xỉ trở thành bình thường mới

Đối với một sinh viên vừa ra trường đi làm, lương tháng tầm 10-15 triệu đồng thì việc mỗi sáng mua một ly cà phê trên dưới 100.000 đồng là xa xỉ, khi còn phải cân đối với tiền nhà, tiền xăng, tiền ăn mặc hàng tháng. Nhưng sâu trong thâm tâm, hình ảnh một cô gái ăn vận sành điệu, tay cầm cốc cà phê bước vào công ty có thể chính là khao khát, là mục tiêu nhắm đến của cô sinh viên ấy.

Vài năm trôi qua, cô gái trẻ được thăng chức, lương gấp đôi gấp ba thời xưa. Thế là cô chuyển mình: Không chỉ sáng sáng đều uống cà phê, mà váy áo đầy tủ, túi xách giá nghìn đô, cuối tuần đi brunch sang chảnh hay uống rượu quán Tây.

Ngoài chuyện ly cà phê sáng, nhiều khoản chi tiêu khác cũng được nâng cấp theo. Những thứ trước đây là xa xỉ thì nay trở thành thói quen. Có điều, việc thoả mãn quá nhiều thói quen mới làm hao hụt lương tháng với tốc độ nhanh hơn, dẫn đến việc các khoản tiết kiệm vẫn mỏng dính.

Đây chính là ví dụ của lạm phát lối sống.

Khi có thêm tiền, bạn có xu hướng mua sắm nhiều hơn, mua sắm những thương hiệu đắt tiền hơn, ăn uống bên ngoài và đi chơi nhiều hơn – nói nôm na là phần thu tăng 1 thì phần chi tăng 10.

Lạm phát lối sống đến một cách thầm lặng. Ban đầu nó chỉ là vài món đồ nho nhỏ, như khi bạn chuyển từ nhãn hiệu kem đánh răng hàng Việt Nam chất lượng cao sang mua kem đánh răng nhập khẩu Thụy Sỹ, vì nghĩ rằng mình đang chăm sóc bản thân tốt hơn.

Sau đó, lạm phát lối sống tiến đến những món to hơn như điện thoại, quán bình dân thành nhà hàng, bistro.

Dấu hiệu nổi bật của lạm phát lối sống là sự thay đổi trong suy nghĩ. Cụ thể là thái độ khi quyết định chi tiêu thay đổi từ "tôi muốn sở hữu món đồ đó" thành "tôi cần phải sở hữu nó".

Ban đầu, bạn ngây thơ nghĩ rằng mình xứng đáng được tiêu tiền, tự thưởng cho những cố gắng đã qua. Rồi chẳng biết từ khi nào, “muốn” đã trở thành “cần”, và bạn thấy khó sống nếu thiếu đi những món vật chất ấy.

Lạm phát lối sống nguy hiểm ở chỗ nào?

Việc mua sắm và trải nghiệm những điều mới lạ luôn khiến chúng ta vui vẻ – nhưng ngắn hạn. Còn việc tiết kiệm đem đến cho chúng ta cảm giác an toàn dài hạn – dẫu ít vui vẻ.

Lạm phát lối sống nguy hiểm ở chỗ nó khiến ta đốt tiền để đổi lấy những vui vẻ chớp nhoáng, và phạm vào phần tiền đáng ra nên đầu tư cho tương lai hoặc đề phòng những bất trắc cuộc sống.

Ở tuổi 30, nhiều người bắt đầu những mục tiêu ổn định hơn, lúc đó, họ sẽ cần một khoản tiền đặt cọc mua nhà, khởi nghiệp, học thạc sĩ... Thay vào đó, những gì họ đang sở hữu trong tay lại là rất nhiều quần áo, túi xách và những mấy món đồ không mấy ích lợi, bán đi cũng chẳng được mấy đồng.

Đáng lo hơn nữa, trong tình hình kinh tế nhiều biến động như hiện nay, ai dám chắc mức lương của mình chỉ tăng mà không giảm, ngày mai liệu công ty vẫn ăn nên làm ra hay mình sẽ bị cắt giảm biên chế?

Lỡ có chuyện gì mà trong túi không sẵn tiền thì hơi mệt. Chưa kể, chúng ta bắt đầu chịu những bức bối, khó chịu của việc phải chuyển từ lối sống sung sướng xuống khổ sở.

Có cả một hệ thống chuyên nghiệp được tạo ra để đẩy bạn vào lạm phát lối sống!

Đó chính là các quảng cáo trên mạng xã hội, ngoài phố, trên TV mà bạn thấy nhan nhản hàng ngày.

Ví dụ, chỉ cần bạn tò mò click vào quảng cáo của một cửa hàng bánh chocolate thôi, thì ngay lập tức Facebook, Instagram sẽ hiện lên những quảng cáo bánh ngọt, rồi mở rộng ra là bánh kem, bánh mochi. Nếu đang dư chút tiền và thấy hứng thú, bạn liền thử, rồi bạn thích, rồi bạn quen.

Đó chính là những chương trình khuyến khích mua sắm từ các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử.

Gần như tháng nào các sàn thương mại điện tử cũng chạy những khuyến mãi ngày đẹp, giờ vàng – đồ thì hấp dẫn, giá thì rẻ, bạn thì buồn tay nên cứ thế là mua thôi. Mua đến quen. Mua đến mức chẳng biết đâu là muốn, đâu là cần nữa.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ trả góp 0% từ ngân hàng, ví điện tử cũng góp phần khuyến khích bạn chi tiền. Đôi khi bạn chẳng tính mua đâu, nhưng thấy “món hời” ngay trước mắt, chẳng lẽ mình bỏ qua?

Vậy, làm sao để tránh sa chân vào lạm phát lối sống?

Quản lý việc chi tiêu của mình

Hãy bắt đầu bằng việc lập ngân sách và theo dõi chi tiết việc chi tiêu trong 1,2 tháng. Chuyện này có thể tẻ nhạt nhưng cần thiết.

Phải biết mình đang xài hoang ở khoản nào thì bạn mới có cơ sở để cắt giảm, điều chỉnh lại việc chi tiền. Nếu không giỏi tính toán tỉ mỉ, bạn có thể tìm các ứng dụng hỗ trợ.

Khiến tiền sinh ra tiền

Khi dư tiền thì ưu tiên đem gửi ngân hàng, mua bảo hiểm, mua trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở,... Tóm lại, nếu có tiền dư, tốt nhất nên lập tức “tẩu tán” khoản ấy vào những chuyện có ích cho bản thân, đầu tư sinh lời.

Có kế hoạch rõ ràng

Khi có mục tiêu thì việc gì cũng dễ làm hơn. Ví dụ như khi quyết tâm dành 100 triệu đồng để mở shop online, bạn sẽ có động lực níu tay mình lại trước khi vung tiền cho một cái bánh mì tôm hùm.

Học cách kiềm chế mua sắm theo cảm xúc

Bộ não cảm nhận việc mua sắm là thú vị và mới mẻ, nó kích hoạt sản suất dopamine giúp ta thấy thoải mái. Khi bị cảm xúc chi phối, ta sẽ khó mà nói “không” trước món đồ thích mắt.

Vậy, giải quyết chuyện này thế nào đây? Dán mục tiêu tài chính mà bạn đang hướng tới khắp phòng mình. Đi cắt ngay thẻ tín dụng hoặc giảm hạn mức của nó lại. Buông điện thoại xuống mỗi khi quảng cáo hiện ra. Cố gắng lên!

Đừng mua sắm chỉ vì muốn bằng bạn bằng

Mỗi người một hoàn cảnh, một khả năng kiếm tiền, một kiểu sống – hãy nhắc mình như vậy.

Ai mà chẳng thèm thuồng khi thấy bạn bè đăng hình đi nghỉ mát, khoe túi hiệu mới, khoe điện thoại mới. Nhưng, cái gì cũng có một câu chuyện đằng sau.

Có thể họ đã tiết kiệm cả năm mới dám đi chơi. Hoặc có thể vì cái túi kia mà họ nợ nần chồng chất.

Còn bạn, đừng so sánh, điều bạn cần làm là tập trung lo cho câu chuyện của mình.

Đừng ép bản thân kham khổ nhưng cũng đừng xài quá tay

Tất nhiên, làm ra tiền là để có thể sống tốt hơn, để mở rộng tầm nhìn, để khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống. Chứ chẳng ai kiếm tiền rồi để tiền trong tủ và bản thân thì thèm thuồng tất cả mọi thứ!

Khi được tăng lương, khi có thêm thu nhập, hiển nhiên bạn xứng đáng được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, đi chơi nhiều hơn. Nhưng số tiền chi tiêu luôn cần nhỏ hơn thu nhập.

Mỗi tuần ăn ngoài một bữa thì không sao, nhưng ngày nào cũng ăn ngoài thì có thể là dấu hiệu của lạm phát lối sống. Mua một cái áo mới thì không sao, nhưng cả tủ áo mới không mặc thì là lạm phát lối sống. Thẻ gym mua cả năm theo phong trào nhưng rồi dùng vài lần thì đích thị là lạm phát lối sống.

Hưởng thụ, tiêu xài, nhưng đừng quá đà. Bởi vì việc nuông chiều bản thân chỉ cách lạm phát lối sống một bước chân nhỏ mà thôi!

Lana Trần (Zing News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.