1 người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, 1 người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam.

Tại diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu lên bức tranh đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay.

Theo đó, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016 xếp Việt Nam ở thứ 56/140 quốc gia và nền kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ số về liên quan tới đổi mới sáng tạo thì thấp hơn nhiều.

Lao động Việt Nam bị đánh giá thấp về ngoại ngữ và làm việc theo nhóm (ảnh minh họa- Thanh niên)

Cụ thể, năng lực hấp thụ công nghệ của Việt Nam chỉ xếp thứ 121, mức độ phức tạp của quy trình sản xuất xếp 101, chất lượng của tổ chức nghiên cứu khoa học xếp số 95/140, giáo dục đào tạo cấp sau phổ thông cũng xếp số 95/140.

Còn theo số liệu từ nguồn thống kê của Tổng cục thống kê, năng suất lao động của người Việt Nam hiện thực hóa theo giá thành là 3.360 USD/người/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore và 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.

Ông Quang Phòng cũng cho biết, năm 2015, 1 người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, 1 người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam và 1 người Thái Lan gần bằng 3 người Việt Nam, 1 người Philippines và Indonesia cũng bằng 2 người Việt Nam.

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc theo nhóm một cách hiệu quả. Nhân sự cấp cao Việt Nam so với các nước trên thế giới còn khoảng cách khá lớn.

Theo ông Quang Phòng, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do Việt Nam chưa dự báo tốt nguồn nhân lực sát với thị trường lao động và có tính đến xu hướng phát triển nền kinh tế.

Việc đào tạo đại học chưa thực sự gắn với nhu cầu của đất nước. Học sinh lựa chọn nghề nghiệp, theo học mang nặng tính chủ quan. Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa rõ. Vì thế, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề và tuyển dụng.

Từ đó, ông Phòng cho rằng, trước cuộc cách mạng 4.0, thị trường lao động đang bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng nguồn cung và nhu cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.

Người lao động sẽ phải thích ứng với sự thay đổi của nền sản xuất nếu không sẽ thất nghiệp.

Nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey dự báo, 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hoá trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

“Ưu thế của nền lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp của Việt Nam không còn là thế mạnh nữa. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, có đến 86% lao động cho các ngành dệt may và giầy dép Việt Nam có nguy cơ cao mất việc khi chúng ta tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0", ông Quang Phòng nhấn mạnh

Để giải quyết những thách thức này, ông Phòng đề xuất cần đầu tư xứng tầm và có chiều sâu để các trường đại học trọng điểm đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận với các nước tiên tiến.

Các trường đại học nên tiên phong trong công tác khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ - tri thức và cũng là nơi ươm mầm tài năng của đất nước.

Ông Quang Phòng cũng cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi sang đào tạo “những gì thị trường cần” và “những gì thị trường sẽ cần” thay vì mô hình đào tạo không gắn nhiều với thị trường như hiện nay.

Bích Lan (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.