Một thời gian thi công èo uột, nhiều dự án trên “đất vàng” Thủ đô nay gần như bất động.

Từng được kỳ vọng là một trong những điểm nhấn của kiến trúc đô thị, tuy nhiên, sau một thời gian thi công èo uột, nhiều dự án trên “đất vàng” Thủ đô nay gần như bất động. Sự “ngắc ngoải” của những dự án này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị, nhất là trong năm Hà Nội thực hiện “Trật tự và văn minh đô thị 2015”.

Tòa nhà 1 Yên Phụ đối lập hoàn toàn với trung tâm Tây Hồ tráng lệ.

Những dự án chưa hẹn ngày về đích trên “đất vàng” Thủ đô có thể kể đến “Khu dịch vụ, văn phòng nhà ở kinh doanh” tại 131 Thái Hà, quận Đống Đa; Dự án tòa nhà chung cư văn phòng hỗn hợp (Sky Garden) tại phường Định Công, quận Hoàng Mai; Nhà công vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội tại số 1 Yên Phụ, Tây Hồ…

Theo phản ánh của người dân sống xung quanh, điểm chung của những dự án này là sau ngày khởi công rầm rộ, một hai năm thi công cầm chừng, rồi dừng hẳn.

Trong đó, địa bàn quận Đống Đa “nổi” nhất với hai dự án tại hai vị trí đắc địa trên phố Thái Hà và Tây Sơn. Tại Dự án “Trung tâm thương mại, siêu thị văn phòng giao dịch và văn phòng cho thuê” 198B Tây Sơn, sau 5 năm triển khai, dự án mới xong phần thô và hiện đang dừng lại.

Giải thích về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Chi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Hòa Bình - chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân là do phải chờ thành phố phê duyệt phương án chuyển đổi công năng của dự án: “Dự án có chậm lại. Trước đây, dự án này chúng tôi cũng được bàn giao đất chậm. Phần thứ hai là do thay đổi công năng và chúng tôi muốn có dự án hoàn thiện hơn, tiếp tục chuyển đổi và thực hiện mô hình chuyển sang đầu tư khách sạn, phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi dự kiến đến tháng 9/2015 tiếp tục thi công và hoàn thành vào quý 4 năm 2016”.

Cách Dự án “đất vàng” 198B Tây Sơn chừng 200m là Dự án “Khu dịch vụ, văn phòng nhà ở kinh doanh” tại 131 Thái Hà, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư. Công trình được Sở xây dựng Hà Nội cấp phép vào năm 2005 với quy mô 1 tầng hầm, 11 tầng nổi. Nhưng sau 2 năm thi công, công trình này đang trong tình trạng bỏ hoang, mặc cho sắt thép hoen rỉ từ năm 2010 đến nay.

Và một điều đáng chú ý là, tuy Dự án đang trong tình trạng “đắp chiếu”, nhưng không hiểu vì sao ngày 27/5 vừa qua, chủ đầu tư lại được Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch, nâng quy mô dự án lên 16 tầng sử dụng chính, 1 tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, hai dự án thi công giữa chừng trên địa bàn quận (131 Thái Hà và 198B Tây Sơn) ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị, quận đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư triển khai dự án, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến gì: “Hai dự án nêu trên, trách nhiệm của chúng tôi là cùng với các đơn vị chức năng của thành phố, cụ thể là thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng kiểm tra những nội dung theo quy định của hoạt động xây dựng. Tiến độ triển khai chậm, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục triển khai để đảm bảo mỹ quan cũng như trật tự văn minh đô thị”.

Cũng trong tình cảnh tương tự, nằm trên vị trí đắc địa nhất nhì quận Tây Hồ, Nhà công vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội tại số 1 Yên Phụ, với 16 tầng nổi, 3 tầng hầm đang trong tình trạng “quây tôn”, bất động. Động thổ từ năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng sau một thời gian thi công, công trình đã phải dừng lại, lộ nguyên khung bê tông trơ trọi, rêu phong nhem nhuốc, đối lập hoàn toàn với những tòa nhà tráng lệ xung quanh và không gian hồ Tây thơ mộng.

Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết, nằm tại vị trí trung tâm của phường, của quận nên sự nhếch nhác của Dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan, đặc biệt là trong mắt du khách trong và ngoài nước: “Dự án dừng thi công cũng đã lâu. Hiện nay, hệ thống thoát nước cạnh sườn của công trình cũng đang xuống cấp, mà cũng phải chờ công trình xong mới cải tạo được hệ thống thoát nước nơi đầu đường Thanh Niên. Phường chúng tôi cũng rất mong muốn chủ đầu tư, đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án đi vào sử dụng để tạo cảnh quan môi trường, chứ như thế này thì nhếch nhác quá”.

Đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, hầu hết các dự án chậm tiến độ trên “đất vàng” Thủ đô đều xuất phát từ các nguyên nhân như bị đình chỉ thi công, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, không còn đủ năng lực tài chính… Ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cho rằng, đây là hậu quả từ sự thẩm định đầu tư thiếu chặt chẽ, nhất là trong việc “đo đếm” năng lực tài chính của chủ đầu tư. Với những dự án này, Hà Nội nên thu hồi, hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án./.

Huy Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.