Lãi suất âm thầm đi xuống
Cách đây 1 năm, mỗi khi giảm lãi suất tiết kiệm, các ngân hàng rầm rộ thông báo. Nhưng gần đây, dù lãi suất liên tục đi xuống nhưng không có ngân hàng nào truyền thông rộng rãi. Các đợt điều chỉnh diễn ra trong im lặng. Chỉ những ai theo dõi biểu lãi suất trên website hoặc đến tận phòng giao dịch mới biết sự thay đổi này.
Từ đầu năm 2015, các ngân hàng đua nhau thực hiện nhiều đợt điều chỉnh giảm liên tiếp. Hiện tại, lãi suất “sàn” của thị trường đang là 4%/năm. Một số ngân hàng như Agribank, Vietocmbank áp dụng mức 4%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Đa số các đơn vị còn lại đều niêm yết mức lãi suất thấp nhất từ 4,3%/năm tới 4,5%/năm cho các kỳ hạn ngắn.
Tại thời điểm cuối tháng 2, ở kỳ hạn dài, BacABank, Vietbank, SBC là những ngân hàng hút khách với lãi suất cao nhất thị trường 7,9%/năm. Nhưng tới nay, mức “trần” đó đã giảm khoảng 3%/năm. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại Vietbank là 7,6%/năm, tại BacABank là 7,65%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm
SCB thậm chí còn mạnh tay giảm lãi suất hơn. Từ ngày 10/3, SCB áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, 7,45%/năm là mức lãi suất hấp dẫn nhất được áp dụng tại 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Thấp hơn một chút, kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng có mức lãi 7,35%/năm.
Techcombank cũng mới để lãi suất “đi lùi”. 6,86%/năm là lãi suất cao nhất tại ngân hàng này áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn từ 6 tháng tới 12 tháng có mức lãi suất chỉ cao hơn trần lãi suất 5%/năm một chút.
Lãi suất tiết kiệm giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay chưa có tốc độ đi xuống tương ứng. Hiện nay, lãi suất cho vay tại các ngân hàng khá ổn định, phổ biến ở mức 7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên và hợp đồng ngắn hạn.
Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Sẽ giảm thêm từ 1 - 2%
Lãi suất tiết kiệm đang giảm đáng kể nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng vẫn cho rằng lãi suất này sẽ có nhiều cơ hội giảm nữa vì hiện tại lạm phát đang rất thấp và đang được kiểm soát tốt. Ông Hiếu đánh giá, lãi suất có thể giảm khoảng 1%.
Theo ông Hiếu, khi lãi suất huy động giảm có thể ảnh hưởng đến tiền gửi của hệ thống ngân hàng vì khi lãi suất thấp quá, người dân sẽ rút tiền chuyển vào các kênh đầu tư khác mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn như vàng, chứng khoán hay bất động sản.
Dù vậy, ông Hiếu vẫn đánh giá hiện tại, tiết kiệm vẫn là kênh an toàn. Khi lãi suất thấp, sẽ có dòng vốn rời ngân hàng nhưng không ảnh hưởng tới tiền gửi của hệ thống. Vì thế, ngân hàng không phải lo lắng mất thanh khoản.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank cho rằng lãi suất đang vận động theo luật cung cầu của thị trường. Hiện lãi suất huy động đang giảm sút, trước mắt do nguồn vốn vẫn còn dưa thừa, đầu ra chưa kịp với đầu vào.
Lãi suất huy động giảm là điều đáng mừng. Lãi suất huy động giảm tạo điều kiện để lãi suất cho vay giảm. Đã có những ngân hàng thương mại cho vay lãi suất 5,5%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể giảm thêm 1-2% nữa.
Trong tương lai gần, ông Hưởng dự đoán lãi suất sẽ còn giảm nữa khi dư địa giảm vẫn còn. Tuy nhiên, ông Hưởng khuyến cáo nếu giảm nhiều quá, lợi tức từ tiền gửi sẽ không còn nữa. Theo thói quen, nhà đầu tư sẽ tính đến chứng khoán, vàng, bất động sản.
Đến một mức nào đó, dòng tiền rời khỏi ngân hàng nhiều sẽ xảy ra thiếu nguồn vốn. Như vậy, ông Hưởng nhận xét lãi suất huy động có thể lại tăng, lạm phát lại rình rập. Vì vậy, ông Hưởng khuyến cáo lãi suất có thể giảm thêm nhưng chỉ ở mức độ nào đó.