29/03/2015 8:26 AM
Trong báo cáo kết quả rà soát tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước trong năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điểm ra một ''danh sách đen" các KCN có vấn đề tại nhiều địa phương. Theo báo cáo, cả nước có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích gần 84 nghìn ha, trong đó có 5 khu thành lập mới.

Tuy nhiên, khảo sát của Bộ KH&ĐT cho thấy, hàng loạt KCN ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hoà, Ninh Thuận... sẽ phải thu hồi do chưa có nhà đầu tư thuê hoặc chưa giải phóng mặt bằng.

Không chỉ KCN mà cả các khu kinh tế (KKT) cũng có vấn đề. Một báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, trên cả nước hình thành quá nhiều khu kinh tế (hiện có 44 KKT nằm ở ven biển và cửa khẩu). Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, nhiều KKT vẫn chưa triển khai, những nơi triển khai rồi thì teo tóp, xin thu hồi dự án... như KKT Dung Quất phần lớn diện tích trong KKT này hiện vẫn là những bãi đất hoang, mật độ dân cư thưa thớt. Mỗi năm, KKT Dung Quất thu hút khoảng 10 dự án đầu tư nhưng cũng có chừng đó dự án bị thu hồi.

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân của "hội chứng KCN, KKT" tại Việt Nam. Các địa phương cho rằng địa phường mình có tiềm năng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên thấy địa phương này làm thì địa phương khác cũng làm, cứ tính lấp đất xây KCN, KKT rồi thế nào cũng có nhà đầu tư đến. Việc phát triển các KKT quá rầm rộ, có tính chất phong trào còn tạo ra hệ thống chạy lobby cho các dự án và có những nhóm lợi ích rất lớn trong đó muốn phát triển các loại dự án KKT để ăn chênh lệch giá đất. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào khảo sát và có những hứa hẹn hão huyền mà chủ nhà không khảo sát, nghiên cứu kỹ càng thực lực của họ dẫn đến mức cầu thì ít mà nguồn cung thì nhiều, khiến các KCN, KKT xây dựng dở dang, không phát triển được.

Vào thời điểm này, việc tạm ngừng triển khai thêm các KCN, KKT là sự điều chỉnh cần thiết bởi lập nên mà không có nhu cầu thì không nên tiếp tục, gây ra sự lãng phí đất, lãng phí về tài chính và rất nhiều thứ khác vô cùng lớn về tài nguyên, tài sản của đất nước. Bây giờ thì các nhà quản lý lại đang phải giải bài toán khó: Thu hồi là hợp lý nhưng sau đó các khu đất đó sẽ làm gì?

Một vấn đề nữa được đặt ra là phải xử lý những nơi, những đơn vị để xảy ra tình trạng trên vì gây lãng phí cho đất nước, địa phương và người dân. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phải quy trách nhiệm bắt bồi thường, chịu trách nhiệm về kinh tế: “Ai cũng biết làm các dự án bao giờ cũng đi kèm phần trăm. Phần trăm thì họ bỏ túi, còn thiệt hại đổ cho cả nền kinh tế, cho người dân gánh vác. Làm sao có thể như thế được?!".

Đến thời điểm này mới tính toán thiệt hại của "hội chứng KCN, KKT" đã là quá muộn khi đất đai khó mà thu hồi được. Dù Bộ KH&ĐT đã có đề xuất xoá sổ các KCN, KKT không thu hút được dự án nhưng điều đó vẫn chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề nếu không xử lý những người làm sai, thất thoát tài sản, tài nguyên của đất nước.
Minh Khuê (An ninh thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.