Ghi nhận ở một số DN ngành tôn thép cho thấy, hoạt động xuất khẩu chậm lại đáng kể trong những tháng vừa qua do một số thị trường châu Á bị ảnh hưởng bởi dòng vốn nước ngoài “bốc hơi”.

Như vậy, DN ngành thép đang trải qua giai đoạn khó khăn kép ở cả trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 10, nhưng hiện nay, các hợp đồng ký mới cho tháng 11 và 12/2013 rất ít. Lý do bởi thị trường xuất khẩu chính của DTL là Indonesia bị ảnh hưởng của việc rút vốn ròng từ NĐT nước ngoài, khiến đồng nội tệ mất giá mạnh nên các đối tác nhập khẩu Indonesia thận trọng trong việc đặt hàng mới. Các đơn hàng cũ họ đề nghị giãn tiến độ giao hàng. Indonesia là thị trường xuất khẩu chính của nhiều DN ngành tôn thép, chứ không riêng gì của DTL. Để bù đắp sản lượng xuất khẩu giảm ở Indonesia, DTL chuyển sang đẩy mạnh khai thác thị trường Nam Phi với mặt hàng chính là tôn mỏng. Xuất sang thị trường này có thể đàm phán với giá cao hơn, tuy sản lượng không lớn.

“Năm nay còn khó hơn năm ngoái, có rất ít đơn hàng xuất khẩu. Doanh thu của Công ty đã giảm chỉ còn bằng 2/3 trong nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Tiến Lên (TLH) nhấn mạnh. Theo ông Hà, các thị trường trong khu vực đều tiêu thụ chậm lại.

Ngoài lý do bất thường là ảnh hưởng của nguồn vốn nước ngoài “bốc hơi” ở các thị trường xuất khẩu như Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan, tháng 8 vừa qua cũng lại đúng là mùa thấp điểm của ngành thép. Tiêu thụ thép giảm do ảnh hưởng bởi yếu tố có tính chu kỳ là tháng lễ hội của người Hồi giáo.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước là tháng Ngâu, nhiều kiêng cữ theo quan niệm dân gian, nên ít các hoạt động xây dựng - sản xuất, ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm thép nói chung. Nhưng điều các DN lo ngại không phải đến từ yếu tố có tính chu kỳ, mà là thị trường trong nước ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Các công ty thương mại nhập hàng Trung Quốc về bán giá 70 - 80 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều giá bán của nhà sản xuất trong nước, khiến tiêu thu tôn mạ màu giảm mạnh. Lý do là chính sách thuế bất hợp lý khi thuế nhập khẩu tôn mạ màu là 0%, trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tôn mạ màu là thép cán nguội là 7% và nhập khẩu sơn là 15%. Với chi phí sản xuất cao hơn, tôn mạ màu của Việt Nam xuất sang Indonesia cũng không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.

“Chúng tôi có 2 - 3 dây chuyên mạ màu, nhưng giờ phải giảm bớt để làm mặt hàng khác”, ông Nghĩa cho biết.

Được biết, các DN Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là tôn lạnh và tôn mỏng, đòi hỏi kỹ thuật cao mới có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, ở thị trường Thái Lan, thị trường mà người tiêu dùng quan tâm khá nhiều đến tiêu chuẩn chất lượng và thương hiệu thì hàng Việt Nam mới có cơ hội cạnh tranh.

Trở lại với giá nguyên liệu. Giá thép cán nóng sau khi tăng lên 580 USD/tấn vào tháng trước đã giảm nhẹ còn 560 USD/tấn trong giai đoạn hiện tại. Một số DN thép cho biết, do doanh thu sụt giảm nên lợi nhuận tháng này chỉ ở mức không lỗ. Lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen trong tháng thấp điểm cũng giảm khá mạnh. 10 tháng đầu niên độ tài chính, HSG lãi 564 tỷ đồng và tập đoàn này ước tính cả niên độ lãi 580 tỷ đồng sau thuế. Như vậy, trong 2 tháng cuối niên độ là tháng 8 - 9, ước lợi nhuận chỉ khoảng 10 tỷ đồng/tháng. HSG đã trích trước lương tháng thứ 13 cho nhân viên và tăng chi phí do biến động tỷ giá.

Các DN thép đang kỳ vọng thị trường thép sẽ khởi sắc lại vào cuối năm khi lượng hàng tồn kho giảm mạnh và nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.

Minh An (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.