Trái với một số thông tin cho rằng nguồn thu từ đất giảm sút nghiêm trọng đang khiến Đà Nẵng "kẹt cứng" vì "bí tiền", ngày 4/9, Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, tính đến ngày 20/8 đã thu được 1.113,2 tỉ đồng tiền sử dụng đất, đạt 61,8% dự toán năm và bằng 139% so cùng kỳ năm ngoái.

Nợ quá hạn tiền sử dụng đất chỉ 487 tỉ đồng

Theo Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng Trần Văn Miên, năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn đối với việc thu ngân sách của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, trong đó có thu tiền sử dụng đất. Do vậy, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Đà Nẵng đã tích cực chủ động tham mưu cho UBND TP nhiều biện pháp chỉ đạo để đôn đốc, thu nộp kịp thời tiền sử dụng đất vào ngân sách. Do vậy kết quả thu tiền sử dụng đất khả quan hơn nhiều so với năm trước.

Tính đến ngày 20/8, Đà Nẵng đã thu được 1.113,2 tỉ đồng tiền sử dụng đất, đạt 61,8% dự toán năm 2013 và bằng 139% so cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: HC)

"Lâu nay theo cách gọi thông dụng, số tiền sử dụng đất ghi thu nhưng chưa thu đều gọi là nợ, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Do đó, bên cạnh việc đôn đốc thu nộp, Cục Thuế Đà Nẵng đã tập trung phân loại tiền sử dụng đất phát sinh, xác định chính xác số nợ theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP chỉ đạo thu" - ông Trần Văn Miên nói.

Ông Miên cho hay, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì nợ thuế là quá thời hạn mà người nộp thuế chưa nộp các khoản tiền thuế, phí, lệ phí... theo quy định của pháp luật vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, đối với hộ gia đình, cá nhân được UBND TP Đà Nẵng bố trí đất, giao đất tái định cư chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất và có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi “nợ tiền sử dụng đất”.

"Như vậy “nợ” ở đây được hiểu là khoản được phép chậm thanh toán và là khoản thu tương lai. Trên ý nghĩa đó, tính đến ngày 15/8/2013, số hộ được UBND TP Đà Nẵng bố trí đất ở tái định cư là 11.752 hộ với số tiền sử dụng đất được ghi “nợ” khoảng 1.500 tỉ đồng, hầu hết nằm trong diện được “nợ” tiền sử dụng đất 5 năm (đến nay chưa hết thời hạn phải trả) theo chính sách, chế độ quy định đối với các hộ tái định cư" - ông Trần Văn Miên cho hay.

Đối với các dự án đầu tư, theo Cục Thuế Đà Nẵng, tính đến ngày 15/8/2013, trên toàn địa bàn TP phát sinh 76 trường hợp dự án (của tổ chức, cá nhân đầu tư). Ngoài 24 dự án chưa có mặt bằng và chưa giao đất thực tế, có 52 dự án đã có mặt bằng và giao đất thực tế cho các nhà đầu tư với số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.189 tỉ đồng.

Trong số này, Cục Thuế Đà Nẵng xác định chỉ có 487 tỉ đồng nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn nộp (tính đến ngày 15/8/2013). Còn lại đều đang trong hạn nộp thuế, gồm số phải nộp từ ngày 16/8 đến 31/12/2013 là 410 tỉ đồng; và sau ngày 31/12/2013 là 291 tỉ đồng.

Thu nội địa vượt hơn năm 2012

Cũng theo Cục Thuế Đà Nẵng, thực thu ngân sách nội địa trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 50,7% dự toán (so với 6 tháng cùng kỳ năm 2012 đạt 137,3%); đến tháng 7 tháng đạt 59,5% (so với cùng kỳ năm trước đạt 140,5%). Và tại hội nghị giao ban ngành tài chính Đà Nẵng hồi giữa tháng 8 vừa rồi, Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 10/8, tổng thu ngân sách trên địa bàn thực hiện hơn 6000 tỉ đồng, đạt 57% kế hoạch dự toán giao, trong đó thu nội địa đạt 60,7% kế hoạch.

Điều đáng quan tâm là số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ mới đạt 46,7% kế hoạch (tính đến ngày 10/8). Nguyên nhân chính là Công ty Xăng dầu khu vực 5 không còn nhập khẩu xăng dầu mà chuyển sang sử dụng nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong khi nguồn thu này chiếm tỉ lệ rất lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Đà Nẵng nhiều năm qua. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu từ xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, trong tình hình kinh tế không mấy sáng sủa của cả nước, việc Đà Nẵng đạt kết quả thu ngân sách như trên là nỗ lực rất lớn. Nguồn thu ngân sách, đặc biệt là thu từ thuế và phí trên địa bàn đã có những dấu hiệu tích cực so với năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. So với thời điểm đầu tháng 7, số thu ngân sách của TP tính đến ngày 10/8 đã tăng thêm 14%.

Cũng nhờ nguồn thu ngân sách tương đối đảm bảo nên ngày 29/8 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản 136 thông báo phân bổ 200 tỉ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách địa phương cho 67 công trình, dự án trên địa bàn, hầu hết phục vụ đền bù giải tỏa và thi công các dự án tái định cư. Riêng công trình trọng điểm Trung tâm hành chính TP được rót gần 60 tỉ đồng để thi công đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2013.

Theo Sở Tài chính Đà Nẵng, đây chỉ là nguồn vốn thanh toán quý 3 (đợt 3) trong năm 2013. Từ nay đến cuối năm, TP sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ vốn cho các công trình. Thực tế này cho thấy trong điều kiện kinh tế khó khăn, Đà Nẵng vẫn cân đối nguồn ngân sách để phân bổ vốn cho các công trình trọng điểm và tái định cư trên địa bàn TP.

Không có chuyện bội chi ngân sách

Đối với một số thông tin gần đây cho rằng Đà Nẵng bội chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2013 hơn 2.400 tỉ đồng, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Sang khẳng định thông tin này hoàn toàn không đúng thực tế của TP. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, Đà Nẵng không được phép bội chi ngân sách. Và không những không bội chi mà Đà Nẵng còn tồn quỹ ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng chuyển qua tháng 7/2013 để sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Sang cho biết, theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước thì thu cân đối ngân sách địa phương của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2013 là 9.253 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa TP không được phép chi ngân sách vượt quá con số này. Trên thực tế, tổng chi ngân sách địa phương của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2013 là 7.623 tỉ đồng và còn tồn quỹ ngân sách địa phương chuyển sang tháng 7 để sử dụng là 1.630 tỉ đồng.

Một câu hỏi được đặt ra: Nếu Đà Nẵng không bội chi ngân sách thì tại sao phải phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng mức huy động vốn 5.000 tỉ đồng? Theo ông Nguyễn Thanh Sang, năm 2012 UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đã được HĐND TP thảo luận nhất trí thông qua và được Bộ Tài chính phê chuẩn. Mục đích phát hành trái phiếu này là huy động vốn cùng với các nguồn của ngân sách để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Năm 2012, Đà Nẵng đã phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu chính quyền địa phương; năm 2013, sau khi rà soát các nguồn ngân sách và nhu cầu chi xây dựng cơ bản, HĐND TP đã phê duyệt phát hành tiếp 1.500 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của Đà Nẵng. Việc huy động nguồn vốn này được bảo đảm nằm trong khung quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Hải Châu (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.