03/08/2013 8:51 AM
Dù có nhiều biện pháp đã được đưa vào thực thi song việc cấp sổ đỏ vẫn diễn ra rất chậm.

Ngày 2/8/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) đã tổ chức hội nghị với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND một số tỉnh, thành phố,…để đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ, báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, con số tồn đọng cần cấp sổ đỏ năm 2013 ở các tỉnh là 3,7 triệu tại 22 tỉnh thành. Trong đó, nhiều nhất là Hà Nội với 168.000 thửa đất và khoảng 500.000 căn hộ; Nghệ An 335.000 thửa, TP HCM hơn 300.000 thửa và căn hộ, Gia Lai 218.000 thửa, Khánh Hòa và Quảng Ngãi hơn 140.000 thửa, Hải Phòng hơn 100.000 thửa...

Tại sao chậm cấp sổ đỏ. Ảnh: Internet

Điều đáng nói là đa phần trường hợp chưa được cấp sổ đỏ chủ yếu là nhà ở tại các dự án đô thị mới.

Bộ Xây dựng nêu lên thực trạng, việc xử lý những tồn đọng, tồn tại vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận sử dụng đất bị kéo dài và bị Chính phủ, Quốc hội nhắc nhở.

Việc người dân chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cơ bản không phải lỗi của người dân, mà lỗi chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương và trung ương, một phần lớn là lỗi của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra tình trạng phổ biến ở các khu đô thị hiện nay là chủ đầu tư được nhà nước giao đất thực hiện dự án, sau đó lại ủy quyền hoặc chuyển nhược một phần hoặc toàn bộ dự án cho các nhà đầu tư khác, nên hiện nay không thể cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà.

“Hiện vấn đề này đang vướng giữa Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp nên mới có chuyện vô lý rằng chủ đầu tư nộp 20% tiền nhà hay 70% tiền nhà thì lại được chuyển nhược. Thế nhưng nhận 100% tiền và nhận nhà rồi thì không được chuyển nhượng”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đồng tình với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ cho người dân.

Thứ nhất, việc ký hợp đồng mua bán nhà thường do các công ty con, hoặc công ty thứ cấp tại các dự án nhà ở thực hiện. Trường hợp này chủ đầu tư thứ cấp chưa có quyền sử dụng đất, nên không thể làm sổ đỏ cho người dân.

Thứ hai, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng công trình nhà ở và đã bàn giao nhà cho người mua.

Thứ ba, trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất làm dự án nhưng không xây dựng nhà ở để bán mà đã chuyển cho cán bộ công nhân viên khác, không có hợp đồng chuyển nhượng với từng cá nhân mà thông qua cơ quan.

Tách cấp sổ đỏ ra khỏi vi phạm của doanh nghiệp

Để giải quyết được các vấn đề này, Bộ Xây dựng đề xuất, tách bạch hoàn toàn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức cá nhân ra khỏi việc xử lý vi phạm của các tổ chức, các doanh nghiệp. Song song đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đủ điều kiện với việc xử lý vi phạm của các tổ chức, các doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên môi trường cũng cho biết, việc xử lý tồn tại sẽ theo hướng phần diện tích không vi phạm thì cấp ngay sổ đỏ cho người mua nhà, phần diện tích có vi phạm thì dừng lại và cấp sổ đỏ nếu có thể điều chỉnh được quy hoach, phần diện tích vi phạm vẫn phải đảm bảo an toàn cho công trình và chủ đầu tư phải nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính.

Trường hợp không điều chỉnh được quy hoạch, phần diện tích vi phạm không đảm bảo an toàn cho công trình thì kiên quyết dỡ bỏ và không cấp sổ đỏ.

Ngoài ra, ông Lê Văn Lịch - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên môi trường cùng đề xuất giảm tiền sử dụng đất, vì như vậy sẽ khuyến khích được người sử dụng kê khai đăng ký đất đai theo quy định.

Bộ Tài nguyên môi trường cũng đề xuất bỏ quy định phạt chậm nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ cho hộ gia đình cá nhân. Mức phạt hiện hành là 0,05%/ngày, tương đương 18%/năm là quá cao, không khuyến khích được người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cho việc cấp giấy này bị ách tắc.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ ra quy định miễn nộp lệ phí trước bạ và chỉ đạo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc không thu phí trước bạ với trường hợp sử dụng đất do ông bà, cha mẹ để lại mà chưa có chứng nhận.

Hà Thu (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.