CafeLand - Thị trường bất động sản Việt Nam giảm liên tiếp trong ba năm qua và có thể kéo dài đến năm 2015, vì người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay giá rẻ và kéo dài thời gian trả, CBRE nhận định.

Khoảng 1.500 căn hộ đã được bán ra tại Hà Nội trong quý đầu tiên, con số này gấp 5 lần (279 căn) so với 2 năm trước đây, nhưng vẫn cách xa so với thời kì đỉnh cao năm 2009 với 15.000 căn hộ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh số bán hàng quý đầu tiên tăng gấp 3 lần, tương đương khoảng 2.263 căn. Nhưng vẫn quá xa so với mức đỉnh điểm 13.000 căn hộ được bán trong năm 2010.

Trả lời phỏng vấn trên Bloomberg, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét: "Mặc dù kinh tế đã có sự ổn định nhưng người dân còn thiếu niềm tin vào thị trường, họ lo lắng lãi suất sẽ tăng trở lại".

Doanh số bán nhà trong quý đầu tiên năm 2014 đã phản ánh những khó khăn trong thị trường bất động sản, Richard Leech nói.

Nền kinh tế bị cản trở bởi các khoản nợ xấu của các ngân hàng, trong đó 1/3 khoản nợ được gắn liền với bất động sản. Để phá băng thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) để hỗ trợ người có thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất thấp và kéo dài thời gian trả nợ. Tuy vậy, hiện nay vẫn rất ít người dân và doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Tháng trước, liên minh ngân hàng do Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đứng đầu cũng đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Và một nỗ lực khác nhằm phá băng thị trường bất động sản như đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ tăng nhẹ lên 5,6%, với tỷ lệ lạm phát dự báo sẽ ở mức thấp hơn năm ngoái.

Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi nhưng kết quả vẫn là ẩn số trong thời gian tới.

Gia Bảo (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.