TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện cầu yếu và lạm phát thấp như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý.

Khi nới lỏng chính sách tiền tệ, tiền sẽ chảy vào chỗ trũng nhất, đó là bất động sản

Tỷ giá trên thị trường ngoại hối mấy ngày qua tăng giảm thất thường, ông có bình luận gì?

Trên thực tế, thị trường ngoại hối thời gian qua đang trong giai đoạn “chuyển đổi cơ chế”. Năm 2015, tình trạng găm giữ ngoại tệ khá phổ biến. Vì vậy, mặc dù cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư, cán cân thanh toán (BOP) lại thâm hụt khá lớn.

Các ngân hàng găm ngoại tệ do 2 nguyên nhân: để kinh doanh kiếm lời trong bối cảnh hoạt động tín dụng khó khăn và tránh rủi ro tỷ giá hối đoái khi có biến động trên thị trường. Các nhà nhập khẩu Việt Nam găm ngoại tệ để thanh toán theo kế hoạch và người dân cũng kỳ vọng tỷ giá tăng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường ngoại hối thời gian tới sẽ không có biến động đáng kể vì NHNN đã áp dụng một loạt biện pháp, trong đó có 2 điểm quan trọng nhất. Thứ nhất, đã thay đổi cơ bản cơ chế quản lý và điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, thị trường hơn.

Thứ hai, ngân hàng nào quá trạng thái ngoại hối trong vòng 3 ngày sẽ bị phạt tăng dự trữ bắt buộc; như vậy, các ngân hàng sẽ không còn lãi với các giao dịch có tính găm giữ ngoại tệ. Ngoài ra, báo cáo về trạng thái ngoại hối được kiểm soát chặt chẽ và phải do người đứng đầu ngân hàng ký.

Đối với tâm lý người dân, việc găm giữ ngoại tệ vẫn là một thói quen không dễ gì bỏ được. Tuy nhiên, về lâu dài tình trạng này sẽ chấm dứt khi kinh tế vĩ mô ổn định và người dân tin tưởng vào tiền đồng. Thực sự, cung cầu về ngoại tệ không mất cân đối như chúng ta tưởng và biến động trong những ngày qua là không đáng kể.

Một câu chuyện nữa đó là lãi suất đang tăng trong bối cảnh các ngân hàng đều cho biết thanh khoản dồi dào?

Thanh khoản luôn là vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt sau khi Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu ngắn hạn trở lại, thanh khoản ngân hàng sẽ có vấn đề nhiều hơn nữa. Đặc biệt, đối với các ngân hàng nhỏ, họ không chỉ “căng” mà chính xác là “chật vật” về thanh khoản.

Bên cạnh đó, đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ đang có chiều hướng đi lên. Chỉ số CDS (đo lường rủi ro của trái phiếu chính phủ) cũng đang tăng lên, thể hiện vấn đề là ngay cả những người mua trái phiếu Chính phủ cũng không yên tâm trước tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng. Hai chỉ số này khiến các ngân hàng phải cảnh giác về thanh khoản nên lãi suất có chiều hướng tăng chút ít cả trong huy động lẫn cho vay.

Đối với DN đang mong muốn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để mở rộng đầu tư, nếu lãi suất tăng 1-2% sẽ khiến họ “bỏ chạy”, đây là bài toán lớn về chính sách tiền tệ vào thời điểm này.

Vậy, ông có gợi ý gì về giải pháp cho vấn đề này?

Trong điều kiện cầu yếu và lạm phát thấp như hiện nay, NHNN có thể nới lỏng chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý. Ví dụ: giảm dự trữ bắt buộc; ngừng phát hành tín phiếu NHNN; tăng cường chiết khấu trái phiếu Chính phủ; trái phiếu đặc biệt (mua nợ xấu) đẩy mạnh hoạt động thị trường mở, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp và ổn định.

Nhưng khi nới lỏng, điều gì đáng lo ngại nhất?

Tháng vừa qua là thời điểm Tết Nguyên đán khiến giá cả một số loại hàng hóa dịch vụ gia tăng, chưa kể giá dịch vụ y tế, giáo dục đã điều chỉnh tăng lên nhưng không có tác động lớn đến lạm phát. Như vậy, cầu thực sự đang yếu và xu thế nới lỏng tiền tệ để kích cầu vẫn còn kéo dài trên toàn cầu.

Tất nhiên, khi nới lỏng chính sách tiền tệ, tiền sẽ chảy vào chỗ trũng nhất, đó là bất động sản. Đây vừa là lĩnh vực đầu tư, đầu cơ sinh lời vừa là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, cung bất động sản hiện vẫn lớn hơn cầu nhiều và theo tính toán của tôi, đến năm 2018, cung - cầu trên thị trường mới cân bằng.

Hiện tại, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu mang tính đột biến. Chưa kể, quy định mới đây của Luật Kinh doanh bất động sản bắt buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đã giúp loại bỏ các nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính đầy đủ; làm sạch hơn, minh bạch hơn thị trường này.

Một vấn đề cũng cần phải chú ý là thị trường bất động sản ấm lên rất có lợi cho hệ thống ngân hàng, khi các nhà băng có điều kiện để thanh lý khối lượng tài sản thế chấp, cầm cố của DN, mà chủ yếu là bất động sản. Thắt chặt tín dụng bất động sản vào thời điểm này là quá sớm, nên có các giải pháp kiểm soát bài bản hơn, dài hơi hơn.

Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.