26/02/2020 5:00 PM
Sốt đất vì siêu dự án trên giấy
Mặc dù thông tin dự án sắp triển khai vẫn còn trên giấy nhưng đầu tháng 2 lượng người đổ về xã Bình Ba tìm mua đất tăng đến chóng mặt. Dọc tuyến đường Quốc lộ 56, đoạn qua địa phận xã Bình Ba tấp nập kẻ bán người mua đất nền. Mỗi ngày hàng trăm xe ô tô đổ về, đậu kín các con đường, khách hàng tìm đến mua đất lên cả ngàn người.
Bất chấp các cảnh báo rủi ro đã được cơ quan chức năng địa phương đưa ra ngay sau đó, làn sóng đầu tư đất tại đây vẫn rất sôi động. Đội quân môi giới nhà đất tích cực săn lùng đất ở các khu vực lân cận, khiến giá tăng cao vùn vụt từng ngày, từng giờ. Theo người dân, có người mua 200 triệu đồng một mét ngang buổi sáng, đến chiều muốn mua lại 330 triệu đồng mà không được. Có lô đất trong 1 ngày đã sang 3 - 4 chủ, thậm chí có tình trạng giành giật nhau để mua bán đất.
Lụi tàn nhanh chóng
Chỉ chưa đến 1 tuần, giá nhà đất khu vực Bình Ba, tăng nóng cục bộ, gây ra cơn sốt đất chưa từng có, thế nhưng đến hiện tại cơn sốt đất đã nhanh chóng nguội lạnh.
Theo ghi nhận thực tế của Cafeland, dọc tuyến Quốc lộ 56 đoạn đi qua xã Bình Ba, lượng người đổ về đây đã giảm hơn 90%, cò đất đã rút đi rất nhiều, giao dịch không còn sôi động như trước, giá đất cũng đứng lại, không tăng bất chấp như lúc cơn sốt đất bùng nổ.
Theo người dân, hiện tại, các khu đất dọc theo Quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba nơi được xác định sẽ triển khai dự án đô thị quy mô lớn có giá bán tăng gần 100 - 200% so với thời điểm trước sốt đất. Theo đó, các lô đất vườn, đất nằm trong hẻm nằm sát QL56 trước kia có giá từ 60-90 triệu đồng/ mét ngang, thì lúc sốt đất giá đẩy lên 150-200 triệu đồng/ mét ngang. Còn đất thổ cư ngay mặt tiền QL56, trước khi cơn sốt ập đến, giá đất chỉ 200 – 250 triệu đồng/mét ngang thì nay được đẩy lên từ 500 – 550 triệu đồng/mét ngang.
Cũng trên quốc lộ 56, nếu như lúc sốt đất, xe đậu kín đường thì nay thưa thớt chỉ còn lại một số nhóm người môi giới vẫn túc trực cả ngày để sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu. Nhiều chiếc ô tô mang biển số từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và cả Hà Nội liên tục dừng đỗ tại các điểm có nhóm người túc trực để hỏi han về tình hình đất đai.
Trước một quán cà phê, hàng chục chiếc ô tô đậu kín lề đường, bên trong môi giới nhà đất và người mua bàn tán rôm rả. Tại một văn phòng công chứng nằm ngay QL56, lượng người đến để làm giấy tờ vẫn còn nhiều.
Trên mỗi trụ điện, gốc cây ven quốc lộ 56 chỉ còn sót lại rất ít biển rao bán đất được môi giới treo lên. Bởi vì đa số đã bị lực lượng chức năng địa phương ra quân tháo gỡ để tránh gây mất trật tự và làm diệu lại cơn sốt đất.
Nhiều người ôm nợ
Nhìn chung, hiện tại lượng người mới tới mua bán thực tế tại Bình Ba không nhiều, phần lớn vẫn là các cò đất chưa thoát hàng ra được nên đang nóng ruột tìm người để bán. Do vậy, trong những người chen nhau mua đất Bình Ba mấy ngày qua, chắc chắn không ít người ôm đất cũng như ôm nợ khi thị trường bất động sản đang “đứng hình” và dự án lớn thì chưa có bất cứ thông tin nào.
Đáng chú ý, dù tình trạng giao dịch trong lúc sốt đất diễn ra tấp nập, giá đất liên tục nhảy múa từng ngày, từng giờ nhưng theo đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức, số lượng hồ sơ về chuyển nhượng và các giao dịch về đất đai thực tế mà Văn phòng tiếp nhận giải quyết mấy ngày qua không tăng. Điều đó chứng tỏ hoạt động mua bán đất tại xã Bình Ba phần lớn là sang nhượng giấy tay, lướt sóng nhanh để kiếm lời.
Theo nhiều người dân địa phương, dù giá đất tăng một cách chóng mặt song không nhiều người dân ở đây bán đất. Sốt đất chủ yếu là do những người mua đất hùa nhau thổi giá, đặt cọc rồi sang tay cho người khác chứ giao dịch thật rất ít.
Hiện tại khu đất được Vingroup quy hoạch làm đại dự án đang được dùng để trồng cao su, đối diện là khu dân cư hiện hữu. Xét về yếu tố địa lý, vị trí, hạ tầng… Bình Ba gần như không có lợi thế gì nổi bật. Sức nóng từ cơn sốt đất hoàn toàn đến từ việc ăn theo dự án lớn nên khu vực này thiếu yếu tố bền vững giúp tăng giá lâu dài. Bên cạnh đó, theo người dân địa phương, xã Bình Ba trước giờ không có lợi thế gì quá nổi bật để khai thác du lịch hay công nghiệp. Người dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp với cây điều và cao su. Do đó, việc giá đất tăng chớp nhoáng khiến người dân không khỏi ngỡ ngàng.
Đánh giá về thực trạng sốt đất tại Bình Ba thời gian qua, các chuyên gia bất động sản cho biết nhiều khả năng đây chỉ là cơn sốt đất ảo, và khi cơn sốt đất đi qua, người ta dễ ôm đất mà không bán ra được, bởi theo quan sát thực thực tế, những người mua chủ yếu đầu tư lướt sóng và cò đất là chính. Do vậy, việc mua để nằm chờ dự án sinh lời có vẻ là việc khá xa vời, vì trên thực tế Tập đoàn Vingroup mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát, còn việc thực hiện dự án hay không vẫn còn là một ẩn số.
Minh Nhật – Hoàng Sang
Xem thêm: Dự án Cát Tường Phú Hưng 70 triệu USD có gì nổi bật?
CAFELAND TV