Theo dõi Kênh CafeLand TV trên

Không thể để đất công viên thành của riêng

30/07/2018 9:46 AM

Trên địa bàn TPHCM, hầu hết quận, huyện đều có từ 1 đến 2 công viên. Tuy nhiên, vốn dĩ là nơi dành cho người dân thư giãn, tập thể dục, trẻ em vui đùa thì không ít công viên lại là nơi hoạt động của quán xá, nhà hàng. Chuyên đề ngày hôm nay chúng tôi sẽ gửi đến quý vị những hình ảnh thực tế đang diễn ra tại các công viên trên địa bàn thành phố mời quý vị cùng theo dõi.

Những tòa cao ốc liên tục được xây dựng tại các thành phố lớn kéo theo đó người dân luôn trong tình trạng “khát” không gian vui chơi, giải trí. Trong khi đó, đa số các công viên, vườn hoa ngày nay lại “biến” thành nơi kinh doanh ăn uống, bãi trông xe...

Thảo Cầm viên Sài Gòn là một ví dụ điển hình, công viên này được khánh thành và đưa vào sử dụng từ những năm 1864 – 1865, đây là nơi được nhiều người dân thành phố tìm đến để vui chơi dịp cuối tuần.

Thực tế hiện nay, để vào được Thảo Cầm viên, ngoài cổng chính nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì trước đây có một cổng lớn nữa ở phía đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cổng này ít hoạt động rồi ngưng hẳn. Nhưng hiện chỉ còn một cổng phụ để khách gửi xe ra vào nằm ở gần Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu. Phần lớn phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai đã trở thành khu kinh doanh trò chơi và dịch vụ ăn uống.

Nếu đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào trong Thảo Cầm viên thì chỉ thấy bảng hiệu của những dịch vụ kinh doanh, từ trò chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, quán cà phê. Còn bên trong những khu vui chơi giải trí có thu phí, các ki-ốt bán hàng cũng mọc lên như “nấm sau mưa”.

Tương tự, tại Công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM), một phần đất bên trong được sử dụng làm bãi xe buýt, sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm… Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng, kế bên là quán cà phê GM nằm ngay phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Nghĩa.

Ngay sau sân khấu Sen Hồng là trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được tận dụng tối đa với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya.

Tình trạng cho thuê đất công viên để làm sân khấu, quán cà phê, sân bóng đá cũng diễn ra tại công viên Gia Định (Quận Tân Bình, TP.HCM). Thậm chí một phần diện tích ở đây bị cho thuê ki – ốt buôn bán và được sang nhượng nhiều lần.

Hay công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, TP.HCM) phần lớn được sử dụng cho thuê để làm nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống.

Khi được hỏi nhiều công viên trên địa bàn thành phố đang bị cho thuê một phần diện tích để kinh doanh, buôn bán, nhiều người dân TPHCM tỏ ra khá bức xúc và không đồng tình.

Hầu hết người dân cho rằng công viên là nơi thư giãn cho mọi tầng lớp nhân dân từ cụ già đến trẻ nhỏ. Đây không chỉ là nơi tập thể dục nâng cao sức khỏe mà còn là nơi giảm căng thẳng sau một ngày làm việc vất vả. Do đó, cho kinh doanh buôn bán trong công viên sẽ phức tạp, bát nháo.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây UBND TP.HCM cũng đã có Công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, yêu cầu sử dụng đúng mục đích phục vụ cộng đồng của công viên, không sử dụng diện tích đất của công viên để kinh doanh.

Nhưng đến nay các dịch vụ kinh doanh vẫn chưa bàn giao khuôn viên phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai để Thảo Cầm Viên khai thác đúng công năng.

Còn tại Công viên 23/9, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chấp nhận chủ trương chỉnh trang, quy hoạch Công viên 23/9 để trả lại đất công viên nhằm phục vụ cho sinh hoạt vui chơi của người dân thành phố.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh, Sở giao thông vận tải Tp.HCM cho biết, việc một số công viên tại thành phố đang sử dụng không đúng công năng như một phần diện tích bị sử dụng vào kinh doanh là có thật.

Hiện Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo lên UBND TP.HCM. Theo đó, giải pháp được đưa ra là yêu cầu tất cả các đơn vị quản lý công viên không kéo dài hợp đồng cho thuê và đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 phải kết thúc, di dời các quán, nhà hàng… cho thuê, trả lại mặt bằng cho công viên

Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho biết, phải đợi đến nửa đầu năm 2019, khi thời hạn hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp thuê đất kinh doanh chấm dứt thì mặt bằng mới được bàn giao.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng với chỉ đạo dẹp quán xá giành lại công viên cho người dân TP vui chơi, tập thể dục, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa bác đề xuất phương án xây dựng bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại 5 khu đất lớn trong TP, phần lớn đó là công viên.

Việc UBND thành phố bác đề xuất nêu trên của Sở GTVT đã được các chuyên gia đánh giá là đúng đắn, vì nếu xây dựng thêm các bãi đậu xe ở trung tâm, tình hình ùn tắc trong nội thành có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Thêm nữa, diện tích công viên của thành phố vốn đã ít ỏi, nếu cho xây thêm các bãi đậu xe sẽ khiến người dân thêm bức xúc.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những ràng buộc đối với các tòa nhà, cao ốc mới xây dựng phải bảo đảm đủ chỗ đậu xe cho chính tòa nhà đó và dôi dư ra cho xe bên ngoài. Ðó là cách hay nhất để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe ở khu trung tâm trong tình hình hiện tại.

Hiện nay, TP HCM đã điều chỉnh quy hoạch công viên cây xanh giai đoạn 2020, chỉ tiêu cây xanh cho các quận trung tâm TP là 2,4 m2/người, ở ngoại thành là 7 m2/người. So với chỉ tiêu chung của các nước phát triển trên thế giới là tương đối thấp.

Công viên đã ít nên việc làm sao sử dụng hiệu quả là một vấn đề cần thiết hiện nay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bởi, chất lượng sống phải đi kèm với mảng xanh, không khí để thở.

>> Quán nhậu, nhà hàng "xẻ thịt" công viên

CAFELAND TV

Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video bất động sản mới nhất!

Mã Nhúng

CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.