Theo dõi Kênh CafeLand TV trên

Bất động sản TP.HCM được gì khi chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp?

17/09/2018 8:04 AM

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản. Điều này được cho là sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa ốc, trong bối cảnh quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản tại TP.HCM ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít người nông dân cũng tỏ ra lo lắng đời sống sẽ gặp khó khăn khi không còn đất để canh tác.

> > Chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp, bất động sản được gì?

Đất nông nghiệp của TP.HCM hiện chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Thành phố chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% tổng sản phẩm trên địa bàn.

Vì vậy, TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, nhằm tăng diện tích đất cho lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, bất động sản tại TP.HCM hiện nay.

Quỹ đất được chuyển đổi mục đích nằm tại các quận 2, quận 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi,… Đây vốn là đất trồng lúa phục vụ an ninh lương thực quốc gia và đất trồng cây lâu năm, nhưng đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước...

Hầu hết quỹ đất nông nghiệp này đã nằm trong ranh giới các khu đô thị được xác định trong lần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, được phê duyệt năm 2010.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi quỹ đất này cả người dân và doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng lợi. Cụ thể, đối với người dân, khi chuyển đổi giá trị đất sẽ cao hơn.

Tiếp xúc với một số nông dân tại quận 2, Tp.HCM, nhiều người cho biết họ ủng hộ chủ trương này, nếu thành phố có chính sách chuyển đổi phù hợp, giá cả đền bù hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân. Bởi nhiều người sống bằng nghề làm ruộng nhưng thu nhập rất thấp, chủ yếu là trồng lúa để đủ gạo ăn.

Trên thực tế, quá trình đô thị hóa tại Tp.HCM diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Nhiều nơi hiện trạng là đất nông nghiệp nhưng người dân không còn sản xuất nông nghiệp. Hoặc đất nông nghiệp ấy được quy hoạch thành đất khác và người dân hiện chỉ tạm thời sản xuất nông nghiệp trong thời gian chờ quy hoạch để tránh lãng phí đất.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, quỹ đất này sẽ thực hiện hình thức mua đấu giá. Ước tính sơ bộ, giá trị của quỹ đất nếu thực hiện đấu giá là 1,5 triệu tỷ đồng. Nhà đầu tư, nếu chuyển mục đích sử dụng khu đất đã chọn, phải được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và phải hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Với những dự án do Nhà nước thu hồi đất, sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, mới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước xuống vốn đầu tư quỹ đất để phát triển dự án bất động sản. Dù vậy, Nhà nước cần có quy hoạch cụ thể để thực hiện thành công.

CAFELAND TV

Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video bất động sản mới nhất!

Mã Nhúng