09/02/2011 2:26 AM
Cả nước hiện có hơn 700 sàn giao dịch bất động sản đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng giao dịch bất động sản qua sàn vẫn rất thấp, thiếu chuyên nghiệp và mang tính hình thức. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách cũng như các chế tài xử phạt với loại hình này.
“Né” giao dịch qua sàn

Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản là kênh thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở, đồng thời giúp thị trường công khai, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bất động sản giao dịch thông qua sàn hiện nay vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp so với số dự án. Trên thực tế, nhiều sản phẩm chung cư hoặc đất nền dự án khi chủ đầu tư tung ra bán thì chủ yếu là bán dưới dạng hợp đồng góp vốn, chưa làm xong phần móng hoặc chưa xong cơ sở hạ tầng. Trong khi pháp luật quy định nhà đất mua bán qua sàn phải là sản phẩm hoàn chỉnh, nghĩa là phải có sổ hồng.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là dù mang danh “sàn” nhưng thực chất nhiều sàn giao dịch bất động sản chỉ là vỏ bọc bên ngoài mà chưa chú trọng đến chất lượng chuyên môn của sàn. Điều này làm giảm lòng tin của người dân đối với các sàn giao dịch bất động sản.


Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mặc dù cả nước có khoảng 700 sàn bất động sản nhưng đa phần hoạt động thiếu chuyên nghiệp, mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư.


Theo thứ trưởng Nam, nhiều trường hợp chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ cho khách hàng rồi mới thuê sàn giao dịch bất động sản bán lại cho chính những khách hàng đó. Vì vậy tính cạnh tranh thấp, thông tin thiếu minh bạch, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính chất đối phó.


Số liệu thống kê cho thấy, trong số các giao dịch bất động sản trong năm 2009 chỉ có 20% qua sàn, còn lại là “bán chui”. Ông Nam cho rằng, việc kiểm tra và xử lý chưa được thực hiện một cách rốt ráo, mới chỉ mang tính chất “rung chuông”. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản thiếu tính minh bạch.


Ngoài ra, phần lớn chủ đầu tư các dự án bất động sản vẫn chưa muốn giao dịch qua sàn nên họ tìm mọi cách "né", “lách luật” bằng cách huy động vốn sớm thông qua các hợp đồng góp vốn ngay cả khi dự án vẫn còn trên giấy, nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tránh những rắc rối về tính pháp lý của dự án khi giao dịch qua sàn.



Khách hàng tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch bất động sản DTJ. Nguồn: DTJ

Sàn giao dịch sẽ là kênh thông tin chính


Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự minh bạch, vẫn tồn tại những “cơn sốt ngầm”, những cơn “nóng”, “lạnh” thất thường thì yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách đối với loại hình này là rất lớn.


Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Xây dựng, C46 Bộ Công an, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã chính thức công bố sai phạm của 25/61 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, sau khi tiến hành thanh tra theo Quyết định 761/QĐ – BXD.


Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết, sai phạm tại các sàn giao dịch bất động sản chủ yếu là các hành vi: chủ đầu tư khai khống vốn chủ sở hữu để xin thực hiện dự án; bán bất động sản không đủ điều kiện như: chung cư bán khi chưa hoàn thành móng; biệt thự bán khi chưa hoàn thành xây thô; không công bố thông tin về sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; bán bất động sản khi chưa có giấy phép xây dựng; huy động vốn vượt quá 70%...


Đối tượng chính của cuộc thanh tra này là những sàn giao dịch thuộc sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty, công ty đang thực hiện dự án xây dựng các khu đô thị mới, chủ yếu là các sàn bất động sản đã có thâm niên hoạt động ít nhất 3 năm. Theo kết quả đoàn thanh tra công bố, đối chiếu với quy định xử phạt thì trong 25 sàn giao dịch vi phạm, sàn bị xử phạt nhẹ nhất là 60 triệu đồng; sàn bị xử phạt cao nhất lên tới 250 triệu đồng.


Tuy nhiên, giới đầu tư bất động sản cho rằng, mức phạt như trên vẫn chưa đủ sức răn đe với các sàn. Bởi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt, mức lợi nhuận đối với mỗi giao dịch thành công là rất lớn.


Để các sàn giao dịch bất động sản thực hiện đúng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư thì các doanh nghiệp phải xác định đúng vai trò, vị trí của sàn giao dịch trong chiến lược kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hoàn thiện khung chính sách đối với loại hình hoạt động này, đồng thời hỗ trợ cho các sàn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như tính minh bạch của các sàn.


Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch bất động sản đang được Bộ Xây dựng soạn thảo, sàn giao dịch bất động sản sẽ được phân thành 3 hạng (1, 2 và 3).
Điều kiện để được xét phân hạng là các sàn giao dịch đã hoạt động chính thức 1 năm liên tục trở lên, người quản lý điều hành sàn phải có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản từ 2 năm trở lên, chưa bị phạt trong thời gian hoạt động và kinh doanh bất động sản…
Dự thảo cũng đề ra các hình thức xử lý nếu sàn giao dịch vi phạm chế độ báo cáo, vi phạm hành chính, vi phạm các tiêu chí… Dự thảo cũng quy định sàn giao dịch bất động sản trong 1 tháng hoặc 1 quý phải đảm bảo một lượng giao dịch nhất định, tránh có những sàn giao dịch mở ra nhưng không có giao dịch.

Cafeland.vn - Theo Tầm nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland