Lãi suất cho vay USD trên thị trường thế giới chỉ từ 0-0,25%, trong khi lãi suất huy động USD ở Việt Nam đã vượt 6%. Đâu là nguyên nhân?

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên CafeF đã có trao đổi phỏng vấn với Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright – bên lề hội thảo “Nhận diện cơ hội đầu tư thị trường chứng khoán năm 2011” do công ty Chứng khoán Quốc tế tổ chức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân

Thưa ông, xin ông cho biết lý do vì sao lãi suất huy động USD liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua?

Theo tôi lý do chính nằm ở các ngân hàng thương mại chứ không phải do vấn đề vĩ mô. Có 2 vấn đề chính. Thứ nhất là việc cho vay USD rất mạnh trong năm 2010. Tín dụng USD 49% trong khi tín dụng VND chỉ 25 %. Tức là các ngân hàng mạnh tay cho vay USD. Tuy nhiên chúng ta lại không có con số chính xác doanh nghiệp vay USD dùng làm gì và khả năng trả nợ bằng USD thế nào.Tuy nhiên rõ ràng có hiện tượng các ngân hàng đang chịu sức ép huy động USD do cho vay USD rất nhiều trước đó. Sức ép để huy động được USD nên các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất huy động USD.

Thứ hai là tính thanh khoản chung của các ngân hàng. Báo cáo của các ngân hàng thì tính thanh khoản đã được cải thiện nhưng theo tôi vẫn là vấn đề. Nó không phải là vấn đề mà tất cả các ngân hàng đều gặp phải nhưng có nhiều ngân hàng theo định kỳ gặp khó khăn. Khi gặp khó khăn về thanh khoản nhưng không vay được tiền đồng do mức trần huy động thỏa thuận, vì thế nâng lãi suất huy động USD để bù vào mặc dù gặp sự mất cân đối về tiền tệ của ngân hàng.

Yếu tố nữa cũng được nhiều người nêu nhưng tôi không cho là chính yếu. Đó là cảm nhận rủi ro tăng lên. Đối với rủi ro tăng lên thì chênh lệch mức lãi suất USD của Việt Nam và nước ngoài sẽ tăng lên nhưng hiện nay mức chênh lệch lên đến 5,75% thì quá cao. Vì vậy lý do chủ yếu theo tôi vẫn là nằm ở các ngân hàng.

Theo quan điểm của anh thì sẽ có sự điều chỉnh tỷ giá trong năm nay. Vậy theo anh đâu là điểm cân bằng của tỷ giá VND/USD?

Theo đánh giá cá nhân việc điều hành tỷ giá trong điều kiện khó khăn bằng cách để lực lượng cung cầu thị trường tác động lên tỷ giá. Thời gian qua chúng ta không có những tác động mang tính chất o ép lên thị trường, để thị trường tự dao động. Trong thời gian qua tỷ giá lúc lên,lúc xuống xung quanh 21.000 VND/USD. Như vậy với tình hình tiền tệ hiện nay tỷ giá 21.000 VND/USD dường như là điểm cân bằng của tỷ giá.

Điều đó cho thấy rằng khi điều chỉnh tỷ giá lên 21.000 VND/USD thì tỷ giá tự do cũng khó vượt quá xa. Tuy nhiên sẽ có yếu tố tâm lý. Mọi người sẽ kỳ vọng lên 22.000-23.000 VND/USD. Khi điều chỉnh lên 21.000 VND/USD sẽ kèm theo những biện pháp ổn định tỷ giá. Biên độ theo tôi hiện 3% là quá thấp, cần nâng lên 5%.

Như vậy tỷ giá có thể vượt 21.000 VND , nhưng nếu đụng trần sẽ can thiệp. Vì rõ ràng chúng ta đã biết điểm cân bằng của tỷ giá là 21.000. Đụng trần cần phải bán ra USD để trở lại tỷ giá cân bằng. Sau một thời gian duy trì thì thị trường mới tin điểm cân bằng là 21 000 VND.Tuy nhiên để thành công thì VND không được bơm ra quá nhiều. Vì khi bơm tiền đồng ra thì dân ta thường có xu hướng đi mua USD, vàng lại kéo theo tỷ giá tăng lên. Nếu cung tín dụng vượt quá với tốc độ tăng trưởng thì tỷ giá 21 000 VND/USD sẽ không còn là cân bằng. Vì thế sự cân bằng này là có điều kiện.


Cafeland.vn - Theo Cafef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland