26/12/2010 12:15 PM
Gần đây, vấn đề nhà siêu mỏng, méo lại được đem ra phiên họp của HĐND TP Hà Nội để chất vấn, thảo luận. KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH.KTS.NGND Nguyễn Thế Bá về vấn đề này.
Oan cho "anh" quy hoạch

Hằng ngày đi trên đường phố, ông để ý thấy những cái nhà siêu mỏng chứ ạ?

Sờ sờ ra thế, ai mà chả thấy.

Đúng là sờ sờ ra. Thế mà không hiểu sao bây giờ người ta mới đem ra HĐNDTP để bàn bạc dẹp bỏ nhà siêu mỏng?

Không phải bây giờ mới thảo luận, mà nói từ lâu rồi. Tôi thấy đây là một vấn đề nhỏ, chẳng việc gì phải đem ra tận HĐNDTP bàn bạc, cứ đúng mà làm.

Nếu cứ đúng mà làm thì bây giờ đâu phải bàn bạc. Nói lỗi này tại các nhà quy hoạch có oan cho họ không? Chả lẽ người ta không biết làm gì với cái miếng thừa thẹo ấy, nên thà cho dân xây nhà siêu mỏng...?

Đây không phải lỗi của người làm quy hoạch. Lỗi của người làm quản lí. Cái tài của người làm thiết kế là làm hiệu quả cái chức năng sử dụng, chỗ nào xây nhà, chỗ nào vỉa hè, lòng đường, chỗ nào dự trữ, bến đỗ xe. Chỉ tiêu thiết kế đã được Nhà nước quy định. Tôi nói thật, về vấn đề này, chưa thấy nước nào lộn xộn như nước ta. Người ta có tư tưởng đất đai là của toàn dân, nên ai muốn làm gì cũng được. Miếng thừa, miếng thẹo có thể để vài ba cái ghế cho người đi bộ dừng chân nghỉ ngơi, hay để trồng thêm vài cái cây, làm bến xe buýt cho người ta khỏi đứng tràn xuống lòng đường, kể cả làm nhà vệ sinh công cộng nếu đảm bảo điều kiện cho phép...


GS.TSKH.KTS.NGND Nguyễn Thế Bá

Nhưng nhìn thấy nhà siêu mỏng, người ta liên tưởng ngay đến mấy "anh" làm quy hoạch!

Đổ lỗi cho quy hoạch là không đúng. Không phải người làm quy hoạch là người làm tất cả. Anh quy hoạch làm quy hoạch xong, thì đến những anh khác thi công, quản lý. Lúc thi công có đúng trong quy hoạch không, anh quản lý phải chịu trách nhiệm. Anh quản lý để cho người ta làm sai quy hoạch, thì anh phải chịu trách nhiệm. Nếu giao cho người làm quy hoạch được theo dõi từ A - Z, thì người ta sẽ chịu trách nhiệm.


Không để cho sự nhếch nhác tồn tại


Vậy trách nhiệm thuộc về ai đầu tiên thưa ông?


Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về quản lý xây dựng. Mấy cái nhà mỏng tang ở Đào Tấn (Hà Nội) và nhiều nơi khác sờ sờ ra, ai cũng nhìn thấy, dân nhìn thấy, sao nhà quản lý không nhìn thấy? Nhìn thấy sao không xử lý? Không xử lý sao không thấy ngại với dân?


Vậy quản lý quy hoạch sẽ khó hơn thiết kế quy hoạch?


Quản lý quy hoạch quan trọng và khó hơn thiết kế quy hoạch nhiều. Nếu không biết dùng dự án quy hoạch đã được duyệt để xây dựng hoặc cậy mình là nhà quản lý, có chức thì có quyền thay đổi quy hoạch thì hỏng rồi.


Có khi nào là do cái đầu của người làm quản lý có vấn đề không?


Những người làm quản lý không phải họ không hiểu, vì không hiểu thì họ không lên làm quản lí được. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại để cho người ta làm tùy tiện?

Theo ông, tại sao lại có vấn đề này?


Tôi cũng không hiểu sao lại có vấn đề này. Hình như trong quản lý còn lưỡng lự, hay ngại, không muốn bày ra, hay tặc lưỡi thôi thì sự đã rồi, coi như không biết, mà coi đây là vấn đề xã hội.

Vậy theo ông có giải quyết triệt để được vấn nạn nhà siêu mỏng không?

Vấn đề chúng ta phải đưa ra ở đây là không thể để cho những cái nhếch nhác, chắp vá thiếu tôn trọng Thủ đô như thế tồn tại. Còn làm được hay không á? Thật ngớ ngẩn và buồn cười! Cái chính là anh có muốn làm kiên quyết hay không thôi, chứ làm gì có chuyện không thể với có thể làm được khi một nhà nước đã có hiến pháp quy định rõ ràng về trách nhiệm của mỗi người. Nước ta trải qua bao thăng trầm, lịch sử đánh đuổi bao nhiêu giặc ngoại xâm, thế mà bây giờ mỗi mấy cái nhà siêu mỏng, gây nguy hiểm, xấu xí cho Thủ đô, thì lại cứ loay hoay là sao?


Chưa bao giờ dạy sai


Nhiều "vụ" có lẽ phải ngăn từ trong trứng nước, thì người ta lại để nó "tóe tòe loe" ra, rồi lại bàn, bàn, bàn? Có những chỗ quy hoạch mới đàng hoàng, đã được duyệt, nhiều người cũng bảo chả ra đâu vào đâu?


Dãy nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn. Ảnh: VT

Quy hoạch xây dựng đô thị có nhiều giai đoạn và mức độ khác nhau. Nhưng quy hoạch chi tiết xây dựng cuối cùng đưa ra thực thi là quan trọng nhất có khi lại bị thay đổi sai với ý đồ ban đầu mà lại không được bàn kỹ với cán bộ chuyên môn.

Tôi rất buồn vì những chỗ đất đẹp như Mỹ Đình, có quy hoạch, nhưng lại chia vụn ra cho mỗi anh làm một miếng. Lẽ ra chúng ta đã có một khu "chuẩn" thì đến bây giờ, nhìn xem, vẫn chỉ là sự chắp vá của nhiều tập đoàn giành nhau sử dụng đất, không có sự kiểm soát chung.


Ông đã dạy bao lứa học trò, học trò của ông đã thành kiến trúc sư, thành nhà quy hoạch, thành nhà quản lý. Ông có lấy làm khó hiểu khi có những người trong số họ không làm theo những gì ông dạy không?


Học ở trường chỉ mới là những khởi điểm cơ bản ban đầu về lí thuyết và phương pháp. Học trò giỏi là biết vận dụng nó vào thực tế nhưng phải bảo đảm nguyên tắc và nguyên lí cơ bản về quy hoạch.


Gần nửa thế kỷ làm thầy, tôi nghĩ rằng tôi chưa bao giờ dạy sai. Nhưng người ta vẫn làm sai. Tôi cũng không lấy làm khó hiểu, vì người ta phải nghe chỉ huy của người ta.


Chỉ nên học kinh nghiệm tốt của nước ngoài


Đến bây giờ, có điều gì làm ông thấy buồn?


Chúng ta đào tạo được rất nhiều cán bộ, nhưng sử dụng cán bộ chưa tốt, chưa phát huy được những khả năng tiềm tàng mà ta đã học được trong nghề nghiệp và trong xã hội. Chúng ta chỉ nên học kinh nghiệm tốt của nước ngoài. Người Việt Nam rất giỏi, chắc chắn ta sẽ xây dựng được đất nước giàu đẹp bằng nội lực và sự sáng tạo của mình kể cả trong xây dựng đô thị.


Xin trân trọng cảm ơn ông, xin chia sẻ với những tâm huyết và trăn trở của ông.
Tôi cũng có một câu để chia sẻ. Đấy là: Vẽ trên giấy khác vẽ ngoài đời. Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn ông!

"Trước tiên, ta phải cho dân ta cái vật chất, mà đô thị chính là một trong những vật chất lớn nhất mà mọi người dân đều mong muốn".

GS.TSKH.KTS.NGND Nguyễn Thế Bá

Cafeland.vn - Theo Việt Nga (Beenet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland