Đồng USD ở Việt Nam đang có: mặt Xanh ở Ngân hàng, mặt Đỏ ở các cơ quan quản lý và mặt Đen ở thị trường tự do. Phải làm sao để USD trở về đúng bộ mặt thật của nó? Hàng trăm độc giả đã "sôi sục" phản hồi về việc NHNN vừa tăng tỷ giá USD/VND tỷ lệ cao nhất trong lịch sử.

Phải cấm cửa thị trường chợ đen

Bạn đọc ở địa chỉ email [email protected] cho rằng, đồng USD ở Việt Nam hiện đang có: mặt Xanh ở ngân hàng, mặt Đỏ ở các cơ quan quản lý và mặt Đen ở thị trường tự do. Để USD trở về đúng bộ mặt thật của nó, theo độc giả này, phải xử lý gốc rễ của vấn đề là cấm cửa giao dịch trên thị trường tự do.

"Xét về góc độc quản lý Nhà nước, chắc hẳn trong quy định về quản lý ngoại hối, đồng USD chỉ được phép giao dịch trong ngân hàng để phục vụ cho công tác xuất khẩu, cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu giao dịch ngoại tệ và các cá nhân có nhu cầu chi dùng khi đi nước ngoài. Nhưng thực tế, đồng USD chợ đen được giao dịch tự do khiến thị trường ngoại tệ thành cái chợ lộn xộn, bát nháo," độc giả này nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, bạn Phi Hung cho rằng việc tăng giá này thể hiện rằng chúng ta đang chạy theo USD chứ không phải bình ổn giá USD.

"Nếu muốn bình ổn, chúng ta cần một biên pháp hành chính mạnh tay với USD chợ đen chứ không phải là biện pháp phá giá đồng tiền. Nếu không mạnh tay với USD chợ đen, bọn họ sẽ tiếp tục nâng giá và nhà nước lại cứ phải phá giá tiền đồng để chạy theo họ," bạn đọc Phi Hung bày tỏ.


Lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng sau khi biến động lớn về tỷ giá liên ngân hàng, độc giả Nguyễn Anh Minh cho rằng: "Việc điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới về tiền tệ, vật tư, hàng hoá trên thị trường tự do cao gấp nhiều lần so với cuối năm 2010. Nền kinh tế lại phải đương đầu với một cơn bão giá mới cùng với những khó khăn chồng chất."

Tuy nhiên, độc giả divivu lại nhận định nếu không có đợt điều chỉnh tỉ giá lần này thì các mặt hàng thiết yếu vẫn buộc phải tăng giá, và việc tăng giá cũng chỉ trong một chừng mực nào đó chứ không đến nỗi khủng khiếp như một số "chuyên gia" đã hù doạ. Vì thế, độc giả này tin và ủng hộ chính sách này của Ngân hàng Nhà nước.

Tăng năng lực sản xuất, không nên tăng tỷ giá

Một số độc giả khẳng định, bản chất của việc điều chỉnh tỷ giá chính là câu chuyện năng suất lao động và giá trị của sản phẩm.

"Nếu năng suất lao động của chúng ta cao, cộng với sản phẩm tốt có thương hiệu, được nhiều người tín nhiệm thì sẽ tiêu thụ được nhiều, xuất khẩu tốt, đem lại thặng dư thương mại và câu chuyện phá giá như động thái vừa qua là không thể xảy ra. Khi đó người Việt Nam sẽ yên tâm với túi tiền dự trữ của mình hơn và sẽ không có hiện tượng đô la hoá, vàng hoá nền kinh tế," độc giả lấy tên là Alex chia sẻ.

Cũng theo độc giả này thì việc tăng tỷ giá chính là để giảm nhập siêu, nhưng chưa hợp lý vì chúng ta hầu hết đều xuất siêu sang các nước khác, chỉ có một số thị trường nhập siêu như Singapore, Đài Loan,... đặc biệt là Trung Quốc. Vậy thì phải tăng tỷ giá với đồng Nhân dân tệ chứ không phải USD. Nhưng trên thị trường ngoại hối Việt Nam, mọi đồng tiền khi ra vào đều được quy đổi theo USD/VND. Vì vậy, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ không giải quyết được vấn đề nhập siêu.

"Giải pháp lúc này là phải tăng cao tính cạnh tranh. Đó là bằng mọi biện pháp có thể, giúp các doanh nghiệp có thương hiệu, có thế mạnh, có sức tiêu thụ hàng hoá lớn được sử dụng các khoản tín dụng giá rẻ thậm chí là lãi suất chưa đến 1% như ở các nước tiên tiến đang thực hiện với mục tiêu là nâng cao doanh số và hiệu quả của sản phẩm. Thậm chí có thể ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp hàng đầu để tái đầu tư như trường hợp của Tập đoàn dầu khí được sử dụng 3.500 tỷ vốn ngân sách," bạn đọc Alex phân tích.

Ngoài ra, độc giả này đề xuất củng cố các doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu bằng các công cụ như tư vấn, vốn, con người và giải quyết các khó khăn khác, giải tán hoặc cho phá sản các doanh nghiệp thua lỗ triền miên.

Về ngân sách giải quyết dứt điểm từng dự án đầu tư, nhanh chóng đưa vào sử dụng, tuyệt đối không đầu tư nhiều, dàn trải như trước đây với mục tiêu là nâng cao chỉ số ICOR (thật buồn khi ICOR của Việt Nam là gần 10).

Cuối cùng,hệ thống chính trị phải làm sao đó phát động được phong trào toàn Đảng toàn dân và toàn quân hăng say lao động học tập góp phần nâng cao năng xuất lao động và hiệu quả sản phẩm để không làm mất giá đồng tiền chính mình đã kiếm ra.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland