25/01/2011 12:23 PM
Trung Quốc đang có kế hoạch sát nhập 9 thành phố để tạo ra một đô thị lớn nhất thế giới với dân số 42 triệu người.

Siêu đô thị trong tương lai.

Các nhà quy hoạch ở miền nam Trung Quốc đang đặt ra kế hoạch đầy tham vọng này cho 9 thành phố ở vùng đồng bằng sông Châu.
Chương trình "sát nhập vùng đồng bằng sông Châu thành một" khiến thành phố tương lai có diện tích 41.500km2, lớn gấp 26 lần toàn vùng đô thị London.
Siêu thành phố này sẽ bao trùm phần lớn các vùng trung tâm sản xuất của Trung Quốc, trải dài từ Quảng Châu đến Thâm Quyến cộng với cả Phật Sơn, Đông Quan, Trung Sơn, Chu Hải, Giang Môn, Huệ Châu và Triệu Khánh. Sự hợp nhất khiến siêu đô thị chiếm gần 1/10 nền kinh tế Trung Quốc.
Trong 6 năm tới, khoảng 150 dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ hòa vào mạng lưới giao thông vận tải, năng lượng, nước và viễn thông chung với tổng giá trị khoảng 300 nghìn tỉ USD. Một tuyến đường sắt tốc hành cũng được xây dựng để kết nối trung tâm siêu đô thị với Hong Kong.
"Khi sát nhập các thành phố, người dân có thể tự do đi du lịch quanh khu vực cũng như hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng khác", ông Ma Xiangming - trưởng nhóm quy hoạch, tư vấn cấp cao của dự án, thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Đông, nói. Ngoài ra, phân bổ vùng công nghiệp, việc làm và dịch vụ công cộng sẽ công bằng hơn.
29 tuyến đường sắt với chiều dài 5 nghìn km khiến việc di chuyển từ thủ phủ này đến thủ phủ khác vòng quanh khu vực siêu đô thị chỉ hết tối đa 1 giờ.
Theo quy hoạch, tiền cước viễn thông có thể giảm tới 85%. Chi phí bệnh viện và học phí sẽ có cải thiện đáng kể. Xăng dầu, điện áp dụng một giá.
Ô nhiễm, một vấn đề quan trọng tại các khu công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Châu, sẽ được giải quyết khi có một chính sách nhất quán.
Tuy nhiên, ông Ma cho hay siêu thành phố vẫn chưa được đặt tên. "Nó không giống như vùng đô thị London hay Tokyo vì không có một thành phố trung tâm ở đô thị khổng lồ này".
Sự sát nhập khu vực miền nam này nhằm giành lại lợi thế cạnh tranh đối với các khu vực đô thị phát triển xung quanh như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc có kế hoạch hợp nhất nhiều thành phố lớn hơn nữa. Điều này tạo ra một số vùng đô thị với dân số từ 50-100 triệu người, còn cụm các thành phố "nhỏ" hơn có dân cư từ 10-20 triệu người.
Ở phía bắc, khu vực quanh Bắc Kinh và Thiên Tân - hai trong số các thành phố quan trọng nhất Trung Quốc, sẽ được bao quanh bởi mạng lưới đường sắt cao tốc, tạo ra khu vực siêu đô thị có tên Vành đai kinh tế Bột Hải. Dân số ở đây có thể lên tới 260 triệu người.
Với tiến trình tốc độ sát nhập như vậy, theo ước tính của Phòng Thương mại Anh, tổng đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị của Trung Quốc trong 5 năm tới dự kiến đạt 1.100 nghìn tỉ USD. Trong đó, riêng chi tiêu cho đường sắt cao tốc hết 480 nghìn tỉ USD và giao thông đô thị hết 113 nghìn tỉ USD.
Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland