Giới thượng lưu giàu mạnh đánh giá New York và London tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu và là trung tâm của bất động sản hạng sang trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, một số thành phố mới nổi đang trên đà bắt kịp những thị trường đã phát triển, đó là: Bombay (Ấn Độ) với vị thế lên tới 118%, Thượng Hải là 91% và Sao Paulo (Braxin) theo sau với 66%. Monacovẫn là thành phố có giá bất động sản nhà ở đắt nhất trên thế giới, sau đó đến London.
Ấn phẩm 2011 - The Wealth Report, phát hành ngày 6/4 mới đây bởi Knight Frank và Citi Private Bank, cho thấy, những trung tâm bất động sản có giá trị nổi bật vẫn giữ vị thế vững chắc đối với giới đầu tư giàu có nhất trên thế giới. Tính trung bình, đầu tư bất động sản chiếm 35% trên tổng vốn đầu tư của giới thượng lưu, sau đó mới là đầu tư vào doanh nghiệp của họ. Chi phí dành cho giáo dục và thuế là nhân tố chính ảnh hưởng tới sức mua những căn hộ sang trọng: 29% khách hàng mua ngôi nhà thứ hai tại Đông Nam Á cho rằng, lý do mua chính là vì tương lai học hành của con cái họ.
Andrew Shirley - biên tập viên của The Wealth Report - nhận xét: Theo thống kê của Wealth Report 2011, tổng giá trị tài sản của giới thượng lưu trên thế giới tăng 22% trong năm 2010, vì vậy sẽ không quá ngạc nhiên khi rất nhiều thị trường bất động sản cao cấp sẽ hưởng lợi từ điều này. Sự tăng trưởng lớn nhất nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương và giá bất động sản cũng tăng mạnh nhất ở khu vực này.
Mặc dù vậy, sự giàu lên của giới thương lưu không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới việc nhu cầu giao dịch bất động sản đang tăng hơn bao giờ hết tại nhiều quốc gia. Các biến đổi lớn về chính trị đã và đang xảy ra, đặc biệt ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, đã nâng tầm London và New York trở thành những trung tâm thịnh vượng thực sự.
Tina Fordham - chuyên gia phân tích chính trị cấp cao của Citi Private Bank - nhận định: “Khi nhắc đến sự ảnh hưởng của chính trị đến thị trường đầu tư toàn cầu, 2011 được cho là năm của nhiều thách thức và mạo hiểm. Theo thống kê, 51% số người được hỏi cho rằng, họ lo ngại về sự bất ổn của chính trị toàn cầu nhiều hơn, 55% cũng bày tỏ sự lo ngại về nền kinh tế thế giới hơn 5 năm trước”.