20/01/2011 9:26 AM
Nội dung quan trọng trong dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt đó là đề xuất thành lập quỹ tín thác bất động sản. Đây là một nội dung quan trọng trong việc giải quyết những khó khăn về vốn cho thị trường tiềm năng này.

Thị trường bất động sản cần nguồn vốn lớn để phát triển. Ảnh: V. Trường

Từ trước đến nay, việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS được thực hiện chủ yếu qua các “kênh”: Hợp đồng góp vốn với khách hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư nước ngoài…

Hiện nay, có khá nhiều quỹ đầu tư BĐS đang hoạt động tại Việt Nam như: Dragon Capital; VinaCapital (VNI); VinaCapital’s VinaLandSaigon Asset Management Corporation’s Vietnam Property Holding (VPH); Indochina Capital’s Indochina Capital…Các quỹ đầu tư huy động nguồn vốn chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, việc huy động vốn, kể cả các quỹ đầu tư đổ vào BĐS còn hết sức hạn chế. Sản phẩm của các quỹ đầu tư BĐS thời gian qua chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi, phần lớn nguồn vốn cho thị trường BĐS là từ hệ thống tín dụng ngân hàng và vốn huy động trực tiếp từ người mua nhà dưới dạng hợp đồng góp vốn.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết ngày 31-12-2010, khoảng 228.000 tỉ đồng đã được rót vào thị trường BĐS thông qua hình thức cho vay (tăng 23,5% so với năm ngoái). Các tổ chức tín dụng cũng thông qua các sản phẩm tín dụng thích hợp để cung ứng vốn tín dụng cho các đối tượng đã có nhu cầu về BĐS như cho vay mua nhà, thuê bất động sản…Tuy nhiên, số tiền trên vẫn chưa đáp ứng được khoản tiền mà thị trường BĐS cần từ nay đến hết năm 2015.

Quỹ tín thác BĐS là mô hình quỹ chuyên đầu tư trong lĩnh vực BĐS nói chung và nhà ở nói riêng. Mục đích của quỹ là huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ để đầu tư vào lĩnh vực nhà ở, khắc phục được vấn đề về vốn cho thị trường nhà ở chỉ trông chờ vào ngân hàng như hiện nay.

Quỹ này được đầu tư 100% vốn vào BĐS và sẽ được ưu đãi về thuế. Quỹ tín thác BĐS được xem là một trong những cách chứng khoán hóa BĐS (thông qua chứng chỉ quỹ) và nhiều người có thể đầu tư vì vốn huy động có thể chỉ từ vài triệu đồng. Người dân sẽ được chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp.

Với đề xuất này, Bộ Xây dựng cho rằng, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát để hạn chế những nguy cơ chứng khoán hóa BĐS như quy định cụ thể các tiêu chuẩn về nhân lực, nguồn vốn, quản lý rủi ro...
Cafeland.vn - Theo Tầm nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland