Ngày 3/11/2010, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo việc thực hiện vòng hai chính sách nới lỏng tiền tệ, theo đó Fed sẽ mua 600 tỷ đôla Mỹ trái phiếu chính phủ từ nay đến tháng 6/2011, trung bình là 75 tỷ USD một tháng và có thể điều chỉnh số lượng và thời gian nếu cần thiết.
Thúc đẩy tăng trưởng
Từ đầu 2009 đến đầu 2010, Fed đã mua tới 1,75 ngàn tỷ USD trái phiếu chính phủ. Tất cả những trái phiếu chính phủ Fed mua vào đều bằng những USD mới in ra. Điều đó khiến cho các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh nguy hiểm với các khoản tiền đã bỏ ra đầu tư. Tính đến hiện tại, giá trị USD đã giảm 5% so với Yên Nhật, 9 % với eur và 5% so với rổ tiền tệ nói chung. Một chuyên gia quỹ vốn kinh tế nhận định rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ căn bản đã thành công mặc dù còn nhiều câu hỏi về chính sách này.
Những điều kiện tài chính được tạo ra khi với chính sách nới lỏng tiền tệ được cho là đã giúp thúc đẩy tăng trưởng thông qua ba kênh khác nhau. Đầu tiên là làm giảm lãi suất cho vay và các khoản đầu tư. Tuy vậy nhiều gia đình Mỹ không thể vay tiền vì giá trị ngôi nhà của họ đã giảm và cũng vì các ngân hàng không sẵn sàng cho vay. Nhưng hai kênh còn lại khá thông thoáng. Giá cổ phiếu tăng đã nâng giá trị của bất động sản khoảng 1,4 ngàn tỷ USD, điều đó giúp thúc đẩy một số sự chi tiêu. Và USD xuống giá giúp tăng hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Giới công nghiệp Mỹ cho biết có sự tăng vọt về hàng xuất khẩu trong tháng 10/2010 và giảm nhập khẩu hàng hóa.
Cty tư vấn tài chính Macroeconomic Advisers cho biết Fed cuối cùng mua 1,5 ngàn tỷ USD nợ trong chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ lần hai và điều đó sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng năm 2011 lên 3,6% (sẽ là 3,3% nếu không có chính sách nới lỏng tiền tệ). Vậy, liệu chính sách nới lỏng tiền tệ có hoạt động quá mạnh và làm cho lạm phát trong thời gian tới sẽ tăng lên ngưỡng nguy hiểm ? Cho tới nay thì tác động đó là nhỏ nhưng chắc chắn một khi tín dụng được nới lỏng và chi tiêu gia tăng thì sẽ có nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Đồng tiền khác buộc phải lên giá
Các quốc gia khác than phiền, oán trách rằng chính sách nới lỏng tiền tệ gần như buộc phải chịu đựng việc đồng tiền của mình bị lên giá và khả năng xảy ra bong bóng thị trường nhà đất vì USD suy yếu thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở lĩnh vực khác. Nhưng điều đó là không thể tránh được dựa vào những sự tăng trưởng khác nhau. Cả Ấn Độ và Australia đều tăng tỷ lệ lãi suất trong tuần qua dù cho giá trị đồng tiền của họ tăng mạnh.