18/11/2010 11:35 PM
Thời gian này, Chính phủ và người dân Trung Quốc cùng thể hiện rõ thái độ lo ngại trước tốc độ leo thang của giá cả hàng hóa trong nước. Đáng chú ý, không chỉ Bắc Kinh mà ngay cả người tiêu dùng Trung Quốc cũng cho rằng, chính sách của nước Mỹ là một phần nguyên nhân gây ra lạm phát ở quốc gia đông dân nhất thế giới.


Nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm nữa.

Tại một khu chợ rau quả ồn ào ở Bắc Kinh, bà nội trợ Zhan Tiehui phàn nàn không ngớt về giá cả leo thang đối với các mặt hàng như tỏi, gừng và bắp cải. Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AFP, người phụ nữ 50 tuổi này “buộc tội” chính sách in tiền của Mỹ khiến lạm phát tăng ở Trung Quốc.

“Nước Mỹ là một nguồn gây lạm phát ở Trung Quốc. Họ in quá nhiều tiền. Năm nay cái gì cũng đắt hơn năm ngoái”, bà Zhan nói.

Nỗi lo ngại của người tiêu dùng Trung Quốc đang gia tăng cùng với giá cả ở nước này, sau khi thống kê cho thấy, tốc độ lạm phát trong tháng 10 đã lên tới mức cao nhất trong 2 năm. Nạn lụt lội trong mùa hè vừa qua và thời tiết lạnh giá đầu đông khiến nhiều loại cây trồng mất mùa, càng khiến giá thực phẩm leo thang mạnh hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ và nhiều người dân Trung Quốc như bà Zhan cho rằng, việc Mỹ mới đây quyết định bơm 600 tỷ USD để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới là có hại cho Trung Quốc. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc bơm tiền ở Mỹ sẽ dẫn tới những dòng vốn nóng dồn dập đổ vào các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và đẩy lạm phát tăng cao.

Một bà nội trợ khác là Wen Xingping cho phóng viên AFP biết, giá rau xanh và các loại quả trong mùa đông năm nay cao hơn nhiều so với năm ngoái, buộc bà và bạn bè phải cắt giảm chi tiêu vào quần áo và các nhu cầu không thiết khác.

“Tình hình nghiêm trọng đấy. Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá cả đã tăng 20-30%. Bạn bè của tôi thực sự cảm thấy lo”, bà Wen nói.

Thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, riêng trong 10 ngày đầu tiên của tháng 11, giá bán buôn bình quân của các loại rau quả chính như cà chua và dưa chuột tại 36 thành phố của Trung Quốc đã tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 4,4% so với cùng kỳ, vượt xa mục tiêu 3% của Bắc Kinh, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008.

Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm chống lạm phát. Vào ngày 17/11, Bắc Kinh công bố một số quy định nhằm đảm bảo sự bình ổn giá và nguồn cung của những mặt hàng thiết yếu như rau, ngũ cốc, than và một số loại nhiên liệu khác. Vào tháng 10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có động thái tăng lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ năm 2007.

AFP cho biết, vấn đề lạm phát giờ đã ám ảnh người dân Trung Quốc đến nỗi, lạm phát đã được bầu là “nhân vật của năm” trên mạng trực tuyến Tianya.cn. Hãng McDonald’s mới đây đã phải tăng giá bán các loại đồ ăn nhanh tại thị trường Trung Quốc thêm 1 Nhân dân tệ mỗi món.

Theo tờ China Daily, một cuộc điều tra thực hiện vào tháng trước cho thấy, khoảng một nửa số gia đình thành thị ở Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm chi tiêu vào năm tới vì lo ngại lạm phát. Một cuộc điều tra khác do hãng tư vấn Nielsen tiến hành cho biết, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc trong quý 3 vừa qua đã lần đầu tiên suy giảm kể từ đầu năm 2009 tới nay vì những lo ngại liên quan tới giá thực phẩm tăng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đang ở trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bắc Kinh muốn kiểm soát lạm phát, những lại lo ngại những biện pháp quyết liệt có thể cản trở sự gia tăng trong thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc lại đang muốn giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào nhu cầu của các thị trường bên ngoài, và thay vào đó, dựa nhiều hơn vào chi tiêu nội địa.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự báo, Trung Quốc sắp sửa thực hiện tăng lãi suất cơ bản thêm một lần nữa. “Trung Quốc thực sự cần thắt chặt chính sách tiền tệ. Trung Quốc thực sự phải làm điều này vì đã hơi chậm trễ so với lạm phát”, ông Jianguang Shen, nhà phân tích thuộc công ty Mizuho Securities Asia, nói với AFP.

Giữa lúc giá bất động sản vẫn tăng, tình hình leo thang của giá các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày càng khiến những người Trung Quốc chưa có nhà riêng hoặc phải đi thuê nhà thêm phần lo ngại.

Mặc dù Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp để giảm sốt địa ốc, giá nhà tại các thành phố lớn của Trung Quốc vẫn leo thang, dù với tốc độ chậm hơn. Hồi tháng 4 năm nay, giá nhà tại các đô thị lớn của nước này tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất trong 5 năm.

“Tình hình giá nhà thật đáng ngại. Tình hình kinh tế Mỹ và các dòng tiền nóng đổ vào Trung Quốc đang có ảnh hưởng tới giá cả ở đây”, chị Zhang Ming, 25 tuổi, phàn nàn với phóng viên AFP khi vừa mua xong rau ở chợ.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland