Trong khi nhiều người phải chấp nhận cảnh sống trong những căn nhà chật hẹp, ngóc ngách thì hàng trăm ngôi biệt thự, căn hộ tại các khu đô thị đẹp nhất, nhì Hà Thành vẫn để hoang, "trơ gan cùng tuế nguyệt".


Những căn nhà triệu đô "bôi bẩn" bộ mặt đô thị.


Cận cảnh biệt thự bỏ hoang

Thủ Tướng Chính phủ vừa có văn bản số 298/VPCP-TH gửi UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra tình trạng hàng loạt biệt thự bị bỏ hoang trên địa bàn Hà Nội, có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2/2011

Nằm cạnh đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, khu biệt thự Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) đã có thời được quảng cáo là "khu vực sinh sống lý tưởng của người dân Thủ đô". Với cơ sở hạ tầng hiện đại, dường như chủ đầu tư muốn nhắm tới đối tượng khách hàng là các “đại gia” đã chán ghét sự ồn ào phố xá. Tuy nhiên kể từ khi được bàn giao tới tay khách hàng vào cuối năm 2006, chỉ một phần nhỏ trong số 400 căn biệt thự ở đây thực sự có người ở. Phần lớn vẫn trong tình trạng hoang vắng, không có người dân sinh sống.

Khảo sát khu biệt thự, mỗi căn nhà với diện tích hàng trăm mét vuông từ lâu không có dấu chân người, sự lạnh lẽo toát lên trong từng viên gạch, rêu mốc bám xanh lớp vữa khô cứng. Cổng khoá, vườn nham nhở cỏ dại. Một vài bộ đồ của công nhân xây dựng treo lủng lẳng ở những căn hộ xây thô. Người dân thị trấn Quang Minh cho biết, khối nhà đó được xây dựng từ lâu, nhưng không có ai đến ở, chỉ thỉnh thoảng mấy chiếc ô tô chạy ra chạy vào.

Nằm ở một khu vực khác, khu đô thị mới (KĐTM) Nam Từ Sơn cũng trong tình trạng thê lương tương tự. Biển quảng cáo vẫn ghi rõ: "Một thoáng châu âu trong lòng Hà Nội", nhưng cảnh tượng thì hoang phế: Những căn biệt thự bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Tiến sâu vào nội thành, khảo sát tại KĐTM Văn Quán và KĐT Xuân La, người ta đều thấy có cả trăm căn biệt thự tiền tỷ, có cái đã hoàn thiện, có cái đã xây xong phần thô, nhưng đều chưa có ai sử dụng. Hỏi ra mới biết chúng đều có chủ cả nhưng vì chưa có ai ở, nên nhiều ngôi nhà đang bị rêu mốc xanh, mốc trắng, cỏ phủ hết cả lối đi.

"Thiên đường" cho... gái bán dâm và con nghiện

Nhưng những ngôi nhà bỏ hoang ấy chưa thấm vào đâu so với số biệt thự bỏ hoang ở khu vực Mễ Trì, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Việt Hưng. Những căn biệt thự này có giá từ 10 tỷ đồng cho tới 60 tỷ đồng và đều ở những vị trí đắc địa nhưng chưa có người ở, để cỏ dại mọc um tùm, rác rưởi tràn lan.

Anh Dương, bảo vệ ở KĐTM Pháp Vân chia sẻ: "Các ngôi nhà bỏ hoang này hiện là "thiên đường" cho bọn nghiện hút và gái mại dâm. Đêm nào chúng cũng tụ tập chích choác trong mấy ngôi nhà ấy, nhưng vì số lượng quá đông nên dù căng hết sức ra chúng tôi vẫn không làm xuể".

Lấy hết dũng khí để bước qua khoảng sân cỏ cao quá đầu gối để vào một ngôi biệt thự cạnh đường, chúng tôi không khỏi rùng mình trước những gì chứng kiến. Chất thải la liệt, trên tầng 2, tầng 3, từ lòng nhà cho đến hành lang, khu phụ đâu đâu cũng thấy kim tiêm và bao cao su đã sử dụng. Phía góc nhà còn thấy những tảng vải vóc cũ rách đã mủn nhũn bốc mùi xú uế.

Ông Nguyễn Trường Giang, một người dân sống ở khu Mễ Trì bức xúc: "Các ngôi nhà hoang ấy chả biết tốt đẹp ở đâu nhưng làm người dân chúng rồi thấy rất sợ mỗi khi phải đi ngang qua. Từ ngày mấy căn nhà ấy mọc lên là lũ nghiện ngập từ đâu kéo đến cả đấy làm rối loạn hết cả an ninh khu vực. Hơi một chút là bị mất trộm đồ đạc, ấy là chưa kể đến còn có người bị cướp giật".

"Bôi bẩn" bộ mặt đô thị

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định tình trạng biệt thự bỏ hoang là một sự lãng phí lớn.

Ông Liêm cho rằng phần lớn những căn biệt thự kiểu này là của những người nhiều tiền. Họ mua nhưng chưa có nhu cầu ở nên cứ để không. Hoặc những người này mua biệt thự không nhằm mục đích để ở ngay. Có thể họ mua cho con họ sau này, có thể mua để tích lũy tài sản, mua để chờ giá nhà lên rồi bán lại giá cao hơn. Cũng có thể là để hợp lý hóa một khoản tiền "không sạch" nào đó.

Ông Liêm nhận xét: "Những khu biệt thự ấy thể hiện sự quy hoạch chưa hợp lý. Các biệt thự đó chỉ chiều lòng một số người giàu và sử dụng đất đai một cách lãng phí".

TS Liêm nói: "Phải xử lý bằng chế tài pháp luật một cách kiên quyết. Ví dụ như nhà xây phải có thời hạn khởi công, thời hạn hoàn thành. Đơn vị thi công không hoàn thành phải phạt trước. Nếu chủ hộ không hoàn thành đúng thời hạn thì phải gia hạn thời điểm hoàn thiện công trình. Nếu không sẽ trưng mua lại với giá rẻ rồi bán cho người khác có nhu cầu".

Ông Đặng Văn Hiển, Giám đốc công ty Bất động sản Đô thị Hà Nội (Huland) cho biết: Hiện nay, Hà Nội đã ban hành một số chính sách nhằm chống đầu cơ, nhưng vẫn thiếu thực tế nên rất khó xử lý. "Người ta vẫn cứ ngấm ngầm mua bán trao tay, thậm chí mua bán trên giấy tờ nên việc chống đầu cơ là rất khó. Tôi biết có những căn biệt thự đã trải qua tới 6 đời chủ mà đến nay vẫn bỏ không".

Theo ông Hiển, đã đến lúc thành phố nên điều chỉnh lại định hướng phát triển nhà ở cho đúng, nhằm đầu tư vào những chung cư phù hợp phục vụ đa số người thu nhập thấp, còn nhà cao cấp thì nên hạn chế.

Cafeland.vn - Theo Đời sống và Pháp luật
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland