Sau 4 năm gia nhập WTO, khối ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam mới chiếm khoảng 10% thị phần tín dụng, nhưng đang dẫn đầu về công nghệ hiện đại. Theo nhận định chung, mặc dù khối ngân hàng này đã được chính thức huy động vốn VND từ đầu năm nay, song họ sẽ không chạy đua huy động vốn.

SCB tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam về cả chiều rộng và chiều sâu

Thay vì kiếm lợi nhuận đầy rủi ro từ tín dụng, các ngân hàng nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, kinh doanh vốn và thị trường ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, thanh toán quốc tế... Đó cũng là lý do năm 2010, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này rất thấp.

Với chiến lược phát triển an toàn, cộng với lợi thế về công nghệ, sản phẩm hiện đại, tiềm lực tài chính hùng mạnh, các ngân hàng nước ngoài đang dần chiếm lĩnh các khách hàng VIP tại Việt Nam .

Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội cho rằng, dù nắm thị phần chủ yếu, song các ngân hàng trong nước không thể lơ là trước sự tấn công của khối ngân hàng ngoại. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, không còn cách nào khác, các ngân hàng trong nước phải tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính và đầu tư công nghệ ngân hàng hiện đại.

Nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài cũng không giấu giếm tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam . Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam (SCB) khẳng định, SCB tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam về cả chiều rộng và chiều sâu.

Việc các ngân hàng nước ngoài tham gia thị trường buộc ngân hàng trong nước phải chia sẻ thị phần, song cũng tạo cú hích mạnh mẽ để các ngân hàng thương mại trong nước tăng sức cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản trị. Nếu năng lực yếu, các ngân hàng trong nước chắc chắn sẽ bị loại. Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC nhận định, thời gian tới, nhiều cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra.

Đánh giá về các tổ chức tín dụng nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Các tổ chức tín dụng nước ngoài trên thị trường Việt Nam đang chiếm thị phần trên 11% tính theo tổng tài sản và trên 10% tính theo tín dụng và huy động vốn so với toàn hệ thống. Các tổ chức này đang phát huy vai trò kênh truyền dẫn công nghệ ngân hàng hiện đại, các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị, quản lý rủi ro và là chất xúc tác quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Các tổ chức tín dụng nước ngoài còn tạo động lực cạnh tranh tích cực, buộc các tổ chức tín dụng trong nước phải không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực toàn diện trên các mặt tổ chức, quản trị điều hành, quản lý rủi ro, nâng cấp hạ tầng, công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm…”

Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland