Năm 2011, tình hình kinh tế thế giới dự báo còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu phải dự báo và nắm bắt kịp thời các diễn biến tình hình trong và ngoài nước, tăng cường các biện pháp chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, kiềm chế lạm phát, có như vậy mới bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Năm 2011 - kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu

Dự báo, năm 2011 nếu không kiểm soát được lạm phát thì kinh tế vĩ mô đất nước sẽ khó giữ được ổn định. Do vậy, kiềm chế lạm phát được coi là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2011 này.

Với mức tăng trưởng kinh tế dự báo 7-7,5%, với mức lạm phát trong năm 2010 có những dấu hiệu bất thường so với nhiều năm trước, với dự báo những tác động đẩy sang năm 2011, chỉ tiêu đặt ra kiềm chế lạm phát ở mức 7% sẽ là một thách thức lớn đối với Chính phủ.

Theo các nhà phân tích kinh tế, ở các nước cùng khu vực, lạm phát khoảng 4-5%, còn ở Việt Nam, lạm phát 2010 cao là do một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Bên cạnh những tác động từ yếu tố bên ngoài, từ sự tăng giá của mặt hàng lương thực, thực phẩm, lạm phát của Việt Nam cao hơn các nước còn là do Việt Nam chủ động tăng một số loại phí và do tâm lý người dân và thậm chí là cả các doanh nghiệp hay bị “té nước theo mưa”. Thống kê cho thấy: trong cơ cấu giá của Việt Nam hiện nay, mặt hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 39%, nhưng lại đóng góp tới 50% sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Những đợt chạy đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm, lãi suất đô-la, sự trồi sụt không theo quy luật thị trường của giá vàng cũng là những minh chứng cho yếu tố tâm lý thiếu độ vững vàng, dễ bị chao đảo của đa số người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là những tác động của giá cả Trung Quốc, một quốc gia cũng đang phải đương đầu với lạm phát cao.

Các giải pháp kiềm chế lạm phát

Ngay từ cuối năm 2010, và tháng đầu năm 2011, một số giải pháp kiềm chế lạm pháp đã được các thành viên Chính phủ trình bày. Mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vì vậy, việc phối hợp giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ, thương mại,... là rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu chung. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đưa ra các nhóm giải pháp:

+ Về quản lý, điều hành giá:

- Thứ nhất, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

- Thứ hai, chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước.

- Thứ ba, đối với giá cả một số hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá, chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm.

- Thứ tư, tăng cường quản lý giá thông qua: kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá bất hợp lý.

- Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá.

- Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, cơ chế điều hành giá của Nhà nước.

+ Về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ:

- Thứ nhất, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trao đổi về các mục tiêu chính sách, định hướng điều hành ngắn hạn, trung và dài hạn, từ đó, từng cơ quan có sự phối hợp, điều chỉnh chính sách cho phù hợp nhằm thực hiện các mục tiêu chung theo chỉ đạo của Chính phủ.

- Thứ hai, là cơ quan được giao quản lý quỹ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm việc điều hành ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chi tiêu của các cơ quan Nhà nước cũng như của thị trường.

- Thứ ba, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành, đặc biệt, trong việc xác định lãi suất trái phiếu Chính phủ linh hoạt, theo sát diễn biến thực tế của thị trường nhằm bảo đảm huy động vốn cho ngân sách và góp phần định hướng lãi suất cho thị trường.

- Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, thực trạng hoạt động của từng ngân hàng thương mại và của toàn bộ hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng để có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết.

- Thứ năm, tăng cường quản lý, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả chi ngân sách nhà nước. Sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để bảo đảm yêu cầu chi của ngân sách nhà nước. Rà soát, tổng hợp nhu cầu ứng vốn năm 2011 của các dự án, công trình quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng trong năm 2010 mà ngân sách năm 2011 nhất thiết phải bố trí vốn để thực hiện có nguồn hoàn trả vốn đã ứng.

Ngoài ra, các Bộ Công thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... cũng xác định những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2011 nhằm kiềm chế lạm phát là:

- Thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

- Giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế: cân đối xuất nhập khẩu, cân đối giữa thu - chi ngân sách, cân đối cán cân thanh toán quốc tế và cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng... các giải pháp này phải được đặt lên bàn tính toán để có mối quan hệ liên ngành trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô.

- Đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội, ổn định tâm lý cho nhân dân./.

Cafeland.vn - Theo TCCSĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland