15/02/2011 2:08 AM
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và một số tổ chức nước ngoài, Nhà nước Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc tăng cường quản lý và điều tiết nền kinh tế. Việc Chính phủ tăng cường các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế mà trước mắt và những tập đoàn lớn, ngành mũi nhọn sẽ tạo tiền đề, nguồn lực ổn định, phát triển kinh tế.


Trong mấy ngày qua, dư luận và các cơ quan truyền thông đã đăng tải nhiều về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thực hiện chính sách điều hành tỉ giá mới theo hướng thị trường (ngày 11-2) và đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch giữa tiền đồng và USD với tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ + - 3% xuống còn + - 1 %. Đây là lần 4 NHNN tiến hành điều chỉnh hạ giá tiền đồng để giảm thâm hụt thương mại và thu hẹp để đi đến xoá khoảng cách giữa tỉ giá thị trường “chui” và thị trường chính thức. Ngay sau khi quyết định này của NHNN được công bố, giá USD tự do đã từ 21.150 đồng/USD lên đến 21.710 đồng/USD (tính đến cuối chiều ngày 14-2) và không ít sự lo ngại về việc tăng tỉ lệ lạm phát.

Lo ngại của người dân về việc hạ giá tiền đồng cũng tạo thành hiện tượng tâm lý. Trên thực tế, mặc dù giá USD ngoài thị trường tự do có nhích lên chút ít nhưng tỉ lệ người dân mua không nhiều. Theo thống kê của NHNN, ngay trong ngày điều chỉnh tỷ giá (11-2) sau khoảng vài giờ tạm lắng, tỉ lệ giao dịch liên ngân hàng được chào mua, bán với mức 20.930đồng/USD và việc hạch toán chênh lệch được tính váo các giao dịch khác như tiền đồng và các ngoại tệ khác. Khách mua chủ yếu là một số ngân hàng thương mại để bù đắp lại số lượng USD họ đã bán ra trước Tết để lấy tiền đồng, đáp ứng nhu cầu tiền đồng tăng mạnh vào thời điểm đó, và khách bán chủ yếu là các ngân hàng nước ngoài. Cùng với sự điều chỉnh tỉ giá bình quân liên ngân hàng nói trên, mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc tăng giá điện và giá than nhưng trước việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức kiến nghị Bộ Công thương về cơ chế tăng giá bán điện cho hai ngành thép và xi măng. Đại diện một số công ty xi măng cũng đưa ra thông tin nếu giá điện, than tăng thì các doanh nghiệp xi măng cũng tăng giá theo. Tương tự đối với xăng dầu, mặc dù Bộ Tài chính ra quyết định tiếp tục bình ổn giữ giá và sử dụng quỹ bình ổn, nhưng ngay sau đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục kiến nghị mục tiêu vận hành theo cơ chế thị trường, không nên sử dụng quỹ bình ổn để bù lỗ như đang áp dụng... Vấn đề dư luận lo ngại là trước những áp lực tăng giá liệu sẽ kéo theo lạm phát tăng ?

Việc điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ bình quân liên ngân hàng là việc phải làm với nền kinh tế nước ta hiện nay. Trong hoàn cảnh dự trữ ngoại tệ của VN hơn 10 tỉ USD và tình hình nhập siêu tăng cao, việc điều chỉnh tỉ giá sẽ khuyến khích nhiều hơn cho hoạt động xuất khẩu. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ để khôi phục trật tự thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế và hướng tới kiềm chế nợ công. Cái gì cũng có hai mặt của nó, tuy nhiên “cái lợi nhiều hơn thì ta sẽ tiến hành làm”, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm đã phát biểu với báo chí ngày 14-2 như vậy. Tuy nhiên ông cũng đưa ra cảnh báo “mặt trái của việc điều chỉnh tỉ giá cũng làm tăng giá nhập khẩu và nếu không kiểm soát tốt có thể khiến tăng lạm phát...”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và một số tổ chức nước ngoài, Nhà nước Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc tăng cường quản lý và điều tiết nền kinh tế. Việc Chính phủ tăng cường các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế mà trước mắt và những tập đoàn lớn, ngành mũi nhọn sẽ tạo tiền đề, nguồn lực ổn định kinh tế. Trong nhiều giải pháp mà Chính phủ đưa ra, có những chính sách có thể coi là “mặt trái” của “cuộc chiến” chống lạm phát. Để chống lạm phát, Chính phủ phải áp dụng chính sách tăng lãi suất để thu tiền về, có như vậy mời kiềm chế được tỉ lệ giữa tiền đồng và ngoại tệ. Tuy nhiên tăng lãi suất lại đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn về vốn. Mà đã khó khăn về vốn, các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp hoạt động và nhiều hệ luỵ khác sẽ xuất hiện. Tuy nhiên như đã trình bày ở trên, giữa cái lợi và cái mất, cái lợi nhiều và lợi ít, Chính phủ đã lựa chọn sự hợp lý hơn. Vì nếu không tăng lãi suất (tất nhiên là tăng theo sự huy động thu tiền về có chủ trương, chứ không phải tăng theo kiểu chạy đua của một số ngân hàng thương mại), không thu được nhiều tiền đồng thì chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao và lúc đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chững lại và những hệ lụy nan giải sẽ kéo theo - đó là sự quan ngại bậc nhất.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sự linh hoạt tối đa của Chính phủ. Chính sách thắt chặt tiền tệ cần thắt chỗ nào và lĩnh vực nào vẫn cần phải thúc đẩy để tạo nhiều hàng hoá, tạo sức mua. Theo tính toán của các chuyên gia, trên lý thuyết: khi điều chỉnh 1% tỉ giá thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,15% và năm nay chắc chắn CPI sẽ tăng. Tuy nhiên, với những biện pháp đang triển khai của Chính phủ nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, trước giá cả trên thị trường đã giảm nhiệt sau những ngày Tết Nguyên đán, và đặc biệt thông tin về giá dầu trên thế giới giảm chút ít và ít biến động tỉ lệ cung cầu USD của thị trường sẽ là những tín hiệu khả quan và có cơ sở để tin rằng Chính phủ sẽ điều tiết được và giải quyết được vấn đề lạm phát. Cùng với đó, những chính sách an sinh xã hội đã triển khai từ tháng 9-2010 đang dần thể hiện hiệu quả và với sự chia sẻ của người dân, của doanh nghiệp, vấn đề lạm phát sẽ được kiềm chế.
Cafeland.vn - Theo Đại Đoàn Kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland