25/12/2010 1:39 AM
Đồng thuận lãi suất huy động trong thời điểm hiện nay là cần thiết và có tính khả thi cao hơn 2 lần trước. Thực tế, các trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên thị trường đã lùi dần về chuẩn trên.


Vậy là quá tam ba bận, chỉ trong năm 2010, có tới 3 lần Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ra hiệu triệu kêu gọi các thành viên của mình ngưng chiến và đồng thuận thực hiện lãi suất huy động không vượt quá trần với các mức khác nhau, từ kéo xuống 10%, không quá 12% và giờ đây là không vượt quá 14%/năm…

Thực tế 2 lần đồng thuận trước đây dường như trần lãi suất chỉ có giá trị danh nghĩa, dễ dàng bị lách qua hoặc án binh bất động, hay chỉ thực hiện có tính tượng trưng, hình thức bởi vô số chiêu khuyến mãi đủ loại và ngày càng phong phú. Nói cách khác, dường như các ngân hàng thương mại dễ đồng thuận trong hội nghị hơn là thống nhất trong hành động theo các cam kết đã thỏa thuận về trần lãi suất huy động. Bằng chứng là cả 2 chiến dịch khá ồn ào do Hiệp hội Ngân hàng đưa ra về đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống 10% được phát động vào nửa đầu năm 2010, và đợt đồng thuận hiện đang triển khai về nâng lãi suất huy động không quá trần 12% đã không có kết quả bao nhiêu. Mức trần kéo lãi suất huy động xuống 10% bị lỗi hẹn, còn mức trần 12% thì nhanh chóng trở thành mức sàn, vì thực tế nhiều ngân hàng đã huy động trên 13,5-14%, thậm chí với mức tới 18-19% cho những khách gửi tiền lớn và biết làm giá! Thông điệp của sự bất thành trong cả 2 đợt đồng thuận trần lãi suất huy động này phải chăng là mức trần lãi suất đồng thuận đặt ra không khả thi, hoặc có sức ép nào mạnh hơn cả sự đồng thuận mang tính cộng đồng khá lỏng lẻo này?

Quan sát thực tế cho thấy, không phải ngân hàng nào cũng muốn cạnh tranh bằng lãi suất huy động cao, nhất là những ngân hàng đã đạt chuẩn về vốn điều lệ và các khoản dự trữ an toàn khác về hoạt động tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cũng như có sự lành mạnh tài chính cao. Kinh nghiệm trong nước và thế giới cũng cho thấy, lãi suất huy động cao cũng không phải là thước đo duy nhất đánh giá sức mạnh của ngân hàng, nếu không nói là ngược lại, việc ngân hàng có mức lãi suất huy động không bình thường cho thấy trong nó có những dấu hiệu không bình thường về sức khỏe hoặc mục tiêu kinh doanh của mình, cần được giải trình và giám sát để bảo đảm an toàn hệ thống chung.

Đồng thuận lãi suất huy động trong thời điểm hiện nay là cần thiết và có tính khả thi cao hơn 2 lần trước, vì lẽ:

Thứ nhất, mức trần lãi suất huy động được đồng thuận tỏ ra hợp lý hơn so với 2 mức đồng thuận trước đây, sát với mức bình quân thị trường và mức lạm phát chung của nền kinh tế; đây là điểm quan trọng nhất để các ngân hàng tự giác thực thi vì lợi ích chung của cộng đồng và của chính mình.

Thứ hai, sức ép tiến độ đạt chuẩn 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào cuối năm 2010 cho hơn chục ngân hàng chưa đạt chuẩn đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn đến cuối năm 2011; điều này rất quan trọng vì khiến sức căng của cung - cầu thị trường dường như được xả bớt đáng kể, làm dịu đi cuộc đua hút vốn bằng mọi giá cho mục tiêu tồn tại hay không tồn tại của các ngân hàng này.

Thứ ba, lần đồng thuận này có tính quy chuẩn cao hơn, bởi lời cam kết thực thi nghiêm túc đầy trang trọng của đích danh các tổng giám đốc các ngân hàng thương mại và sự vào cuộc giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm của Ngân hàng Nhà nước theo lời thỉnh cầu của Hiệp hội Ngân hàng…

Rõ ràng, sự đồng bộ, chặt chẽ và hợp lý của các yếu tố tạo nên sự đồng thuận đang và sẽ cho thấy hiệu ứng tích cực. Thực tế, các trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên thị trường đã lùi dần về chuẩn trên.

Cafeland.vn - Theo Ts Nguyễn Minh Phong (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland