26/12/2010 11:20 PM
Vẫn chưa biết khi nào dự án Công viên An Biên mới tiếp tục được triển khai.
Gần 14 năm qua, hơn 400 hộ dân khu An Đà Nội (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền) luôn thấp thỏm vì rơi vào vùng quy hoạch treo dự án Công viên An Biên. Dự án này có diện tích hơn 39 ha, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt từ đầu năm 1997, do Công ty Công viên làm chủ đầu tư.

Vùng “cấm vận”

Giai đoạn một của dự án gồm cải tạo lòng hồ, xây dựng bờ kè, đường bao quanh hồ An Biên đã hoàn thành năm 2002. Nhưng cũng từ đó dự án này tắc tị và giai đoạn hai (xây các khu chức năng và làng hoa truyền thống rộng 12 ha bên hồ An Biên) chưa biết bao giờ mới được triển khai.

Theo Sở Xây dựng TP Hải Phòng, để triển khai giai đoạn hai dự án Công viên An Biên cần di dời 435 hộ dân tại hai tổ dân phố 1 và 2 khu An Đà Nội. Thời điểm năm 2005, Ban Quản lý dự án Công viên An Biên tính toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 371 tỉ đồng và khoảng 5 ha đất để bố trí tái định cư cho người dân. Do TP không bố trí được nguồn vốn nên giai đoạn hai đến nay chưa triển khai.


Hơn 400 hộ dân ven hồ An Biên sẽ còn tiếp tục sống chung với quy hoạch “treo”. Ảnh: Kim Linh

Trong khi quy hoạch Công viên An Biên còn đang “treo” thì năm 2004, dự án Lạch Tray-Hồ Đông lại quy hoạch đại lộ 13-5 rộng 100 m cắt ngang qua khu dân cư An Đà Nội. Tiếp đó, năm 2007, dự án đường Đông Khê 2 rộng 25 m cũng được quy hoạch dọc theo khu dân cư này.

Đến nay, cả ba dự án vẫn án binh bất động. Trong khi đó, từ năm 1997, dù chưa có chỉ giới quy hoạch nhưng toàn bộ 435 nhà dân khu An Đà Nội đã bị “cấm vận”. Theo người dân, sau khi có quy hoạch, phường thông báo cho những hộ nằm trong quy hoạch phải giữ nguyên hiện trạng, không được xây, sửa nhà kiên cố. Việc cấp sổ đỏ cũng bị ngưng lại.

Ông Lê Văn Thanh, tổ trưởng tổ dân cư số 1 An Đà Nội, cho biết: Hơn chục năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây lâm vào cảnh đi cũng dở, ở không xong. Do chưa biết bị thu hồi đất lúc nào nên ít ai dám sửa chữa, cải tạo nhà cửa. Nhiều căn nhà xuống cấp nặng nhưng chủ nhà cũng chỉ dám sửa chữa qua quýt. “TP cứ dùng dằng không biết có thu hồi đất hay không khiến người dân không yên tâm. Ở lại thì nhà cửa xuống cấp, mái dột, tường nứt cũng chẳng dám sửa chữa đàng hoàng. Muốn bán đất cũng chả ai dám mua, có bán được thì giá cũng rẻ mạt” - ông Thanh nói.

Chưa biết “treo” đến khi nào

Theo ông Nguyễn Hữu Chưởng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền, từ năm 2007 UBND quận Ngô Quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân trong vùng quy hoạch Công viên An Biên. “Nhưng cấp “sổ đỏ” mà trong đó ghi là đất nằm trong vùng quy hoạch thì cũng như không. Người dân bán cũng khó mà thế chấp ngân hàng cũng không được nên không mấy ai xin cấp sổ đỏ” - ông Chưởng nói.

Năm 2009, TP lại cho cấp phép xây dựng tạm cho các hộ dân trong vùng quy hoạch khu An Đà Nội có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà. Theo đó, người dân được xây dựng, cải tạo công trình quy mô không quá hai tầng và phải cam kết tự dỡ bỏ công trình khi nhà nước thực hiện quy hoạch. Nhưng thực tế từ đó tới nay chưa có hộ dân nào trong vùng quy hoạch Công viên An Biên xin cấp phép xây dựng tạm. Lý do là họ không dám mạo hiểm bỏ tiền làm nhà để khi thu hồi không được bồi thường.

Theo ông Chưởng, do thấy dự án bế tắc kéo dài, đầu năm 2010 UBND quận Ngô Quyền đã kiến nghị TP cho điều chỉnh quy hoạch, chuyển vùng quy hoạch treo của Công viên An Biên thành khu dân cư. Nhưng TP không chấp thuận vì như thế hồ An Biên không thành hình công viên mà chỉ là một hồ điều hòa thuần túy.

Ông Lê Khắc Nam, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng, cho biết: Dự án Công viên An Biên có mục tiêu chỉnh trang đô thị, cải tạo kiến trúc cảnh quan khu vực. Vì vậy, việc đầu tư giai đoạn hai Công viên An Biên là cần thiết. Trong phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết quận Ngô Quyền, Sở Xây dựng vẫn đề nghị UBND TP giữ nguyên chức năng sử dụng đất giai đoạn hai công viên này. Tuy nhiên, theo ông Nam, chưa biết đến khi nào có thể triển khai tiếp vì đây là dự án sử dụng vốn ngân sách, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn, trong khi đó TP vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.
Cafeland.vn - Theo Phapluattp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland