25/12/2010 1:48 AM
Đó là đề xuất của TS LÊ XUÂN NGHĨA, PHÓ CHỦ TỊCH UB GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA, nhằm giải quyết hai vấn đề đang đặt ra từ sự chênh lệch khá lớn tỷ giá VND/USD giữa thị trường chính thức và tự do là: làm thế nào để bình ổn thị trường ngoại tệ và chống tình trạng đô la hóa.


Cụ thể hơn ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng:

- Việc chênh lệch tỷ giá VND/USD giữa thị trường chính thức và thị trường phi chính thức tới 2.000 VND/USD (tức khoảng 10%) thời gian qua là điều chưa từng có trong 10 năm qua. Trong nền tảng kinh tế thực tốt hơn nhiều mà tài chính tiền tệ như vậy thì chúng ta cần phải xem xét. Một vấn đề nữa là hầu hết các đồng tiền khác tăng giá so với đồng USD. Trong lúc đó, VND lại mất giá so với USD, thậm chí mất giá ngay cả khi USD mất giá thảm hại.

Dù vậy, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, nếu tiến hành các giải pháp tích cực thì Quý I.2011, thị trường ngoại hối có thể ổn định.

- Ông dựa vào căn cứ nào để đưa ra nhận định trên?

- Dự trữ ngoại tệ Việt Nam hiện nay không nhỏ nên tôi cho rằng giải pháp đầu tiên phải là can thiệp mạnh bạo vào thị trường để dập tắt tâm lý kỳ vọng và làm giảm chênh lệch tỷ giá USD giữa thị trường chính thức và phi chính thức. Hiện nay, tâm lý lo ngại về sự mất giá của VND cực kỳ nặng nề, không chỉ trong dân chúng mà còn cả trong các doanh nghiệp, ngân hàng.

Sau khi rút ngắn được tỷ giá giữa hai thị trường sẽ áp dụng biện pháp vừa can thiệp, vừa điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh dự trữ bắt buộc, điều chỉnh lãi suất VND và ngoại tệ… Nếu làm được điều đó, Quý I.2011 thị trường ngoại hối có thể ổn định được vì hiện nay mức chênh lệch lạm phát cơ bản giữa Việt Nam và Mỹ không quá lớn (khoảng 5- 6%). Lạm phát cơ bản của Việt Nam theo tính toán của tôi là 7,3% và của Mỹ khoảng 1,5%.

- Theo ông, khó khăn lớn nhất để ổn định thị trường ngoại hối là gì?

- Sức ép đầu tiên để ổn định tỷ giá là thâm hụt cán cân thanh toán. Nhưng hiện chúng ta đã cải thiện được cán cân thanh toán (thâm hụt cán cân thanh toán năm 2010 chỉ còn 2,5 tỷ USD so với con số 8,8 tỷ USD năm 2009). Như vậy, đã có cơ sở nhất định để tiến tới ổn định tỷ giá. Sức ép lớn nhất với tỷ giá hiện giờ là lạm phát, chúng ta cần kiềm chế tốt lạm phát. Tuy lạm phát cơ bản của Việt Nam không lớn (trừ yếu tố lương thực, xăng dầu, chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam năm 2010 chỉ là 7,3%) song vấn đề khó khắc phục nhất hiện nay là yếu tố tâm lý. Ngoài ra, nhập lậu vàng cũng là nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng của thị trường ngoại hối. Năm 2010, số dư ngoại tệ cả nước là 4 tỷ USD nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thu về được số ngoại tệ này. Ngược lại, NHNN còn phải chi ra 8,8 tỷ USD để giữ tỷ giá hối đoái. Có nghĩa, sai số của cán cân thanh tóan quốc tế lên tới 12,8 tỷ USD. Theo phân tích của chúng tôi, phần lớn con số này được sử dụng để nhập lậu vàng vì giá vàng Việt Nam và thế giới luôn chênh lệch nhau khá lớn.

- Vậy theo ông, cần giải pháp gì để ổn định thị truờng ngoại hối?

- Tỷ giá hối đoái đang đặt ra hai vấn đề: làm thế nào để bình ổn và làm thế nào chống tình trạng đô la hóa. Theo tôi, thời gian tới, cần gắn đồng bộ giữa việc điều chỉnh và can thiệp để kéo chênh lệch tỷ giá USD giữa thị trường tự do và chính thức xuống còn 200 VND/USD. Sau khi đưa tỷ giá đó về ở mức tương đối ổn định thì tính đến chuyện thứ hai: bắt đầu hạn chế, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ. Để hạn chế cho vay ngoại tệ, NHNN phải làm nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ để lấy VND.

Cụ thể, bước đầu tiên là phải sử dụng tích cực công cụ dự trữ bắt buộc. Yêu cầu dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ phải cao hơn dự trữ bắt buộc bằng VND. Đồng thời phải tạo ra sự chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và ngoại tệ. Từ đó, buộc các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tăng lãi suất cho vay ngoại tệ lên để hạn chế cho vay ngoại tệ. Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp ít quan tâm hơn đến chuyện vay ngoại tệ và làm người dân ít quan tâm đến gửi ngoại tệ, chuyển sang dùng VND. Đây là giải pháp căn bản nhất. Biện pháp thứ hai là vừa điều chỉnh, vừa can thiệp. Cần tính toán cẩn thận mức độ điều chỉnh vì hiện chênh lệch giữa hai đồng tiền không quá lớn. Một khi đã điều chỉnh rồi thì phải can thiệp một cách mạnh mẽ để cho người dân thấy Chính phủ nói là làm, tuyên bố ổn định là ổn định được. Còn can thiệp nửa vời sẽ làm tỷ giá bên trong và bên ngoài ngày càng tăng lên, người dân chắc chắn còn hoang mang hơn.

- Sao chúng ta không làm điều này từ lâu, thưa ông?

- Chúng ta không thể kéo dài thêm nữa tình trạng đô la hóa. Càng kéo dài, thị trường đô la chợ đen càng trở nên vững vàng, mạnh mẽ và chi phối rất lớn đến thị trường. Càng kéo dài thì khả năng chi phối USD của NHNN càng thấp. Trước đây, tự chúng ta đã đẻ ra tình trạng đô la hóa do chấp nhận tiền gửi bằng USD, nhưng nay muốn bỏ lại không bỏ được vì dân chúng có thói quen gửi bằng ngoại tệ. Tôi cho rằng, khi lạm phát ổn định, VND phục hồi hoàn toàn và tăng giá trở lại thì chúng ta phải đưa ra chính sách dừng huy động bằng tiền gửi ngoại tệ, chấm dứt hoàn toàn tình trạng đô la hóa. Trong quá khứ chúng ta đã có nhiều cơ hội để làm điều này như những năm 1991-1992 nhưng chúng ta đã không làm.

- Xin cám ơn ông!

Cafeland.vn - Theo Hải Dương (báo ĐBND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland