18/01/2011 12:41 PM
VN-Index sáng nay đã thử thách và tiệm cận mốc 500 điểm sau gần 6 tháng nhưng vẫn chưa thể vượt qua được mốc này.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tiếp tục có phiên thứ 5 liên tiếp tăng điểm, chốt phiên ở 497,43 điểm (▲2,27 0,46%). Tổng khối lượng giao dịch cả khớp lệnh và liên tục đạt 40,8 triệu đơn vị, giảm nhẹ 3 triệu đơn vị so với phiên hôm trước. Giao dịch khớp lệnh cũng giảm sút nhẹ và vẫn ở mức trung bình, đạt 35,7 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.074,17 tỷ đồng. Mặc dù chỉ số tăng điểm nhưng sắc xanh đã không còn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, có tất 66 mã tăng giá trong khi số mã giảm lên tới 158 mã, số mã giữ tham chiếu đạt 60 mã.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số đã đi trái chiều so với VN-Index khi kết thúc phiên giảm 1,56 điểm về mức 107,46 điểm, tương đương với mức giảm 1,43%. Tâm lý giao dịch thận trọng đã kéo thanh khoản giảm sút, chỉ có gần 29,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giảm 15% so với phiên hôm trước. Tổng giá trị giao dịch trên HNX đạt 556,99 tỷ đồng. Toàn sàn có 59 mã tăng giá, 31 mã đứng giá và 236 mã giảm giá.

Mặc dù có phiên giao dịch thứ 5 liên tiếp tăng điểm và VN-Index lần đầu tiên vọt lên mốc 500 điểm sau gần 6 tháng, nhưng dường như thị trường đã không kích thích được tâm lý hứng khởi trở lại của giới đầu tư trong nước. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho điều này:

Thứ nhất, thị trường tăng điểm không đều, chỉ số bị phụ thuộc quá nhiều vào nhóm cổ phiếu lớn, điển hình là BVH, MSN, PVF – ba mã có mức tăng kịch trần trong phiên hôm nay. So với phiên hôm qua có tới 147 mã tăng trên HOSE, thì phiên giao dịch sáng nay chỉ còn có 66 mã tăng. Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn chưa thể lấy lại được đà tăng sau thời gian điều chỉnh vừa qua. Có những cổ phiếu vẫn còn giữ ở mức giá như hồi VN-Index tạo đáy ở cuối tháng 11 vừa qua.

Thứ hai, việc cổ phiếu lớn tăng điểm mạnh lại là động lực chủ yếu đến từ NĐTNN. Phiên hôm nay, họ đã mua ròng 96,5 tỷ đồng trên HOSE. Ba mã Bluechips có mức tăng trần thì tỷ lệ giao dịch của họ lần lượt là: BVH (86,7%), MSN (60,3%), PVF (45,2%).

Thứ ba, thị trường đã tăng điểm 5 phiên liên tiếp nhưng thanh khoản lại thay đổi không nhiều và vẫn ở mức thấp (trung bình giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 33-35 triệu đơn vị) do không có được sự tham gia nhiều của giới đầu tư trong nước.

Thứ tư, tâm lý nghỉ ngơi và yếu tố lịch sử. Thường ở giai đoạn tháng 1-tháng 2 dương lịch hay thời điểm cuối tháng 12 âm lịch, NĐT thường muốn được nghỉ ngơi sau một năm đầu tư mà không mang lại nhiều kết quả như mong đợi và thường ở giai đoạn các năm trước thị trường cũng có xu hướng giao dịch lình xình đi ngang.

Thứ năm, các yếu tố chính có tác động lớn đến thị trường chưa rõ ràng. Mục tiêu và kế hoạch năm 2011 đã được đặt ra song vẫn chưa có được những động thái rõ ràng từ CP và NHNN để thực hiện các chính sách này. Các vấn đề lãi suất và lạm phát vẫn đang là hai dấu hỏi lớn. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2010 của các doanh nghiệp vẫn là đang là bức màn bí mật dần dần được vén lên. Những công ty có kết quả kinh doanh tốt thì đều được công bố trước và đã gần phản ánh hết vào giá, trong khi những công ty có kết quả kinh doanh kém khả quan thì chậm hoặc không công bố. Chính điều này đã tạo nên sự bất cân xứng thông tin giữa các nhà đầu tư và vì thế làm cho họ cảm thấy thận trọng hơn trong giao dịch.

Cafeland.vn - Theo Stox.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland