11/02/2011 4:44 AM
Nhiều tỉnh thành trong vùng ĐBSCL đặt kỳ vọng vào thu hút vốn FDI trong thời gian tới khi mà nhiều DN, tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đã và đang rất quan tâm cũng như thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn ở ĐBSCL.
alt
Thực trạng trong thu hút đầu tư
Nếu như năm 2004, thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng ĐBSCL chỉ chiếm 3,5% số dự án cả nước (với 161 dự án) và chiếm 3,09% vốn FDI so cả nước (khoảng 1,31 tỉ USD) thì đến nay số lượng dự án đã tăng hơn 3 lần, nhưng vốn FDI cũng chỉ chiếm khoảng 4,3% số dự án và 4,4% vốn FDI so cả nước. Tính đến hết thang8/2010, khu vực ĐBSCL có 530 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng trên 9,2 tỷ USD.
Vốn FDI trên địa bàn vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 419 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,18 tỷ USD, chiếm 79,1% về số dự án và 56,3% về vốn đăng ký. Kết quả này phù hợp với định hướng thu hút FDI vào khu vực này. Long An là địa phương dẫn đầu về số dự án FDI (324 dự án), TP Cần Thơ xếp vị trí thứ 2 với 50 dự án, kế đến là tỉnh Tiền Giang (24 dự án), Trà Vinh (23 dự án), Bến Tre (20 dự án), Kiên Giang (18 dự án)... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân nguồn vốn FDI của vùng chậm và cũng chỉ chiếm hơn 4% vốn thực hiện so với cả nước. Cụ thể Long An dẫn đầu về vốn FDI vùng với hơn 3,5 tỷ USD, Kiên Giang 2,79 tỷ USD; TP Cần Thơ trên 690 triệu USD... nhưng tỷ lệ giải ngân vốn chưa tới 50%... Có thể thấy rằng trong năm năm gần đây, thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thực tế các dự án FDI đầu tư tại ĐBSCL đa phần có quy mô nhỏ, công nghệ trung bình và sử dụng nhiều lao động phổ thông, nên việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư hiện nay chiến lược thu hút đầu tư và dự án kêu gọi ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL gần giống như nhau.
Bên cạnh đó, ĐBSCL vấp phải hai cản trở trong phát triển đó là cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Các cầu lớn, vượt qua sông Tiền, sông Hậu đã được xây dựng, các trục giao thông liên tỉnh, liên vùng cũng đang được quan tâm đầu tư, hạ tầng đô thị, cảng hàng không... phát triển, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Chất lượng nguồn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Việc liên kết của các tỉnh thành trong vùng còn nhiều hạn chế, các chương trình xúc tiến đầu tư còn nhỏ lẻ, chưa thể hiện hết tiềm năng, thế mạnh và nội lực vốn có của vùng…
Thu hút nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài
Việc cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ và phải thay đổi cách nhìn về vùng, xác định cho đúng vai trò, vị trí của vùng trong sự phát triển chung của cả nước. Theo tiến sĩ Javier Revilla Diez (Trường Đại học Hannover, CHLB Đức), một chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, phát triển kinh tế vùng là làm thế nào để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của vùng đó, phải song hành với phát triển xã hội. Cái mà DN quan tâm hàng đầu là chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng viễn thông, chất lượng các trường đại học trong vùng. Để thu hút vốn FDI trong các lợi ích về vốn, lao động, công nghệ, ngoại tệ, quản lý... cần đặt tiêu chí công nghệ lên hàng đầu để nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. Bởi nhà đầu tư đưa vào nhà máy hiện đại, nhưng chỉ sử dụng lao động phổ thông, xu hướng chuyển giao công nghệ ngày càng ít sẽ không cải thiện được chất lượng tăng trưởng như mục tiêu đề ra trong thu hút vốn FDI. Mặt khác, các địa phương cần liên kết vùng để phát triển và dựa vào lợi thế của từng tiểu vùng mà mời gọi đầu tư. Đây là vấn đề quyết định trong thu hút đầu tư, có như vậy mới chắt lọc dự án, đảm bảo an toàn môi trường và sinh kế của người dân nhằm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL theo hướng bền vững.
Ông Ashok Sud- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, để thu hút đầu tư các tỉnh nên có kế hoạch cụ thể về xu hướng tăng trưởng kinh tế, và xác định rõ ràng các loại ngành công nghiệp muốn thu hút đầu tư. Nói cách khác các tỉnh thành nên giới thiệu một kế hoạch chiến lược cụ thể. Cùng quan điểm này bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, để phát triển các địa phương trong vùng cần hướng cho nhà đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể, cần tập trung mời gọi đầu tư những dự án tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho những sản phẩm thế mạnh. Mặt khác, Chính phủ và các địa phương cần quan tâm, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng trung tâm logistic để hàng hóa phát triển thuận lợi hơn, quy hoạch phát triển vùng cần tính đến điều kiện về môi trường ngày càng biến đổi và tác động của biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư quyết định đầu tư vào ĐBSCL họ thường quan tâm đến môi trường kinh doanh của địa phương có tốt hay không, hạ tầng hoàn chỉnh, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, chứ không phải chính sách miễn tiền thuê đất, thuế DN... Chứng minh cho điều này, ông Kevin Thieneman- Chủ tịch phụ trách Châu Á của Tập đoàn Caterpillar (Mỹ) cho rằng cơ hội thu hút đầu tư các công ty Mỹ vào ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tập trung nhiều vào phát triển cơ sở hạ tầng. Việc kết nối công nghệ của Caterpillar cung cấp cơ hội để cải thiện đáng kể hiệu quả trong các dự án xây dựng lớn chẳng hạn như xây dựng đường cao tốc. Còn theo ông Hank Tomlinson- Chủ tịch Công ty TNHH Chevron Việt Nam trong tổng số hơn 2 tỉ USD vốn đầu tư vào ĐBSCL, Chevron quan tâm rất nhiều nhất đến TP Cần Thơ bởi dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn, điểm tiếp nhận khí là Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Chevron chịu trách nhiệm chính về khai thác khí ở ngoài khơi, đến năm 2014 khi dòng khí đầu tiên chạy vào đường ống thì rất cần nhà máy để tiếp nhận dòng khí này. Ngoài đầu tư các dự án về kinh tế, Chevron còn quan tâm đến các lĩnh vực xã hội, hiện Chevron đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp một điểm trường học ở Định Môn (quận Ô Môn)...
Có thể nói, bước vào giai đoạn phát triển mới ĐBSCL hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp hẫn hơn các nhà đầu tư nước sẽ góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng và mang lại sự phát triển thịnh vượng hơn, bền vững hơn cho vùng đất giàu tiềm năng này.
Theo định hướng phát triển, giai đoạn sau năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ khởi động nhiều dự án lớn như: dự án tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường cao tốc TPHCM- Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi (Cà Mau), sân bay quốc tế Phú Quốc... Mục tiêu đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh với cảng biển lớn ngoài khu vực sông Hậu (tỉnh Trà Vinh) để tiếp nhận tàu 60.000 DWT.
Bên cạnh đó, Trung tâm Điện lực Ô Môn gồm 5 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 3.500 MW sẽ hoàn thành, vận hành trước năm 2015 và tiếp nhận nguồn khí từ Lô B để cung cấp điện cho toàn vùng ĐBSCL. Dự án Đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn có tổng chiều dài gần 400 km, trong đó phần trên biển khoảng 246 km, phần trên bờ 152 km, đi qua địa phận TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vùng ĐBSCL.
Cafeland.vn - Theo VEN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland