Nguồn vốn cho kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2011. Tuy nhiên, bài toán vốn không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay ở đâu? tiềm lực doanh nghiệp mạnh hay yếu?

Nguồn: aicvn.com


Doanh nghiệp thường nâng cao năng lực tài chính bằng nâng vốn chủ sở hữu hoặc theo một tỷ lệ cân đối. Trong đó, biện pháp ngoại sinh thường được áp dụng nhiều bằng cách tự bỏ vốn, bán cổ phiếu phổ thông, bán cổ phiếu ưu đãi, bán trái phiếu chuyển đổi, và mua bán - sáp nhập... Biện pháp nội sinh bằng cách thuyết phục cổ đông chia cổ tức ít đi và giữ lại lợi nhuận nhiều hơn cho công ty... khó áp dụng hơn. Bởi đa số cổ đông Việt Nam thích có lợi nhuận nhanh, nên khó có thể thuyết phục để chia cổ tức giảm. Ngoài ra, trong năm 2010, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không lớn, nên lượng vốn được giữ lại chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư mới. Song khi kinh tế thế giới trong năm 2011 được dự báo là có nhiều diễn biến khó lường, thì khả năng huy động vốn bằng giải pháp ngoại sinh cũng không khả thi.

Đối với kênh huy động bằng chứng khoán, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, các nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước sẽ thận trọng hơn với thị trường này. Bởi trong năm 2010 thị trường chứng khoán không thể bứt phá về điểm số và tính thanh khoản dù đã có nhiều lực đỡ từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, nên chưa có tín hiệu về sự phục hồi mạnh trong năm 2011. Không chỉ có vậy, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán để huy động vốn cũng không phải dễ dàng với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện chỉ có khoảng 650 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn trong tổng số 520.000 doanh nghiệp trên cả nước. Thực tế, những doanh nghiệp lớn và thực sự tốt mới có cơ hội huy động vốn qua kênh trái phiếu chuyển đổi. Do vậy, việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán chưa thể là chỗ dựa chắc chắn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, trong năm 2011 các kênh huy động vốn ngoại sinh khác cũng khó có thể phát huy. Bởi thực tế, trong năm 2010, một số doanh nghiệp đã không thành công trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bởi với lãi suất cho vay, lãi suất huy động cao thì khó có thể tạo sức hút với các định chế tài chính. Trong khi đó, việc giảm lạm phát trong năm 2011 cũng được dự báo khó thực hiện bởi các yếu tố của kinh tế thế giới và điều kiện trong nước. Như vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng lãi suất trái phiếu cao thì cũng rất dễ phải chịu tác dụng ngược của giải pháp này. Đối với biện pháp mua bán – sáp nhập, do môi trường pháp lý chưa hỗ trợ tốt nên không thu hút doanh nghiệp tham gia.

Khi những giải pháp huy động vốn truyền thống đều khó khăn, thì doanh nghiệp có còn hướng khắc phục hay không? Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn cho biết, doanh nghiệp có thể tăng cường thực hiện các thỏa thuận thương mại. Có nghĩa là thay vì vay ngân hàng, doanh nghiệp sẽ nợ thương mại một doanh nghiệp khác. Một số ý kiến đề nghị, cần tích cực thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp các khoản đầu tư để có cơ cấu vốn hợp lý. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp không thiếu vốn nhưng do cách bố trí không hợp lý... nên vẫn thiếu vốn. Ngoài ra, cũng có thể giảm lợi nhuận kỳ vọng, nhưng vẫn giữ quy mô sản xuất, thậm chí chấp nhận hòa vốn để giữ nhân viên và thực hiện tái cấu trúc. Lợi ích lớn nhất của doanh nghiệp là sẽ có một nền tảng vững chắc khi tái cấu trúc hoạt động.

Như vậy, bài toán vốn không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay ở đâu? tiềm lực doanh nghiệp mạnh hay yếu? Nguồn vốn nằm ở trong mỗi doanh nghiệp, nếu như biết xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Trong khi đó, nếu phụ thuộc vào ngoại sinh thì doanh nghiệp sẽ không chủ động mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, nước ta đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nên sự cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước sẽ lớn hơn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự cải tổ cơ chế kinh doanh, sản xuất và ứng xử linh hoạt trước biến động kinh tế. Một số ý kiến cho rằng, trước khó khăn về vốn doanh nghiệp cần chuyển đầu tư từ dự án có quay vòng vốn chậm, sang các dự án có nhu cầu vốn thấp và quay vòng nhanh.
Cafeland.vn - Theo Đại Biểu Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland