Ở thành phố Portland bang Oregon (Mỹ) những cuộc bàn thảo công việc cộng đồng được thực hiện qua mạng để mọi cư dân và quan chức có thể cùng nhau trao đổi để đi đến kết luận và hành động chung…

Đây là một trong các thành phố bền vững thiết lập gần đây, nay được nâng cấp thành đô thị bền vững 2.0 (sustainable city 2.0) mà theo đó việc ứng phó với làn sóng người đổ về thành phố, với sự cạn kiệt tài nguyên và với tình trạng khí hậu biến đổi không đơn thuần chỉ là cải tạo cơ sở hạ tầng (infrastructure) mà cả đổi mới phong cách quản trị từ chính quyền tập trung sang cộng đồng xã hội (community).

Người ta xác định một đô thị bền vững dựa vào mức độ quan tâm đến tác động môi trường gây nên bởi thiên nhiên và con người, và vào việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là năng lượng và nước nhằm tránh hoang phí; đồng thời không để tạo ra nhiều chất thải (bao gồm các loại khí nhà kính làm trái đất nóng lên).

Trước việc biến đổi khí hậu cùng mối đe dọa của sóng và nước biển dâng cao, các chính phủ ngày nay chú ý đến việc nhanh chóng thiết lập công trình bảo vệ, cải tạo hoặc xây thêm nhiều thành phố làm thành những chuỗi liên kết các đô thị bền vững nằm dọc theo bờ sông, giữa các vùng châu thổ thấp và ven các vùng duyên hải.

Từ đô thị bền vững đến thành phố nối mạng

Xu hướng đô thị hóa diễn ra mỗi lúc một nhanh và chẳng bao lâu nữa phần lớn con người sẽ sinh sống trong các thành phố. Đô thị trở thành trung tâm của cả ba vấn đề: dân số tăng nhanh, tài nguyên cạn kiệt và khí hậu biến đổi. Nhưng đô thị cũng là trung tâm của các giải pháp, vì ở đó có đủ yếu tố cơ bản bao gồm tài năng, đồng vốn, công nghệ và mạng lưới để thực hiện các sáng kiến kinh tế và xã hội. Đây không chỉ là ước muốn, cũng không phải chỉ để xử lý từng vấn đề riêng lẻ rải rác nơi này nơi khác, mà là sự phối hợp trong một chiến lược chung, bao gồm đầu tư kinh tế, phát triển lao động, cam kết cộng đồng, và khả năng làm cho đời sống thích ứng với hệ môi trường mới.

Trong hội nghị cấp cao EcoDistricts bàn về môi trường cấp quận vừa diễn ra ngày 25 đến 27-10 tại thành phố Portland, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý đều công nhận rằng con người trong mỗi cộng đồng dân cư là trung tâm của sự phát triển bền vững. Sự thay đổi kết cấu hạ tầng để một đô trị trở thành thành phố bền vững là điều tất yếu. Nhưng việc đổi mới cung cách quản trị từ chính quyền tập trung sang cộng đồng xã hội còn quan trọng hơn.

Từ đây nổi lên vai trò của công nghệ thông tin với Web 2.0 có các tính năng tương tác rất mạnh giúp cho mỗi người trong cộng đồng có thể trực tiếp tham gia vào các quyết định rồi cùng phân công thực hiện các quyết định đó. Quá trình này tạo nên sức mạnh tổng hợp có khả năng đối phó cao hơn, nhanh hơn với độ thích ứng nhạy bén hơn, và như thế một thế hệ các thành phố nối mạng gọi là đô thị bền vững 2.0 (sustainable city 2.0) đã thực sự ra đời.

Từ mục tiêu bền vững đến đầu tư hạ tầng

Khi con người là trung tâm của các đô thị bền vững thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm nối mạng phải được cộng đồng đặt ra nhằm đạt các mục tiêu cấp bách, thân thiết hay có hiệu quả nhất. Trong khi thành phố Le Havre (Pháp) coi việc phát triển du lịch đến từng khu dân cư là cốt lõi của chiến lược bền vững thì Melbourne (Úc) với 3,8 triệu dân coi biện pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao và với nhu cầu gia cư thích ứng làm căn bản thực hiện. Khi các thành phố Abu Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và Dongtan (Trung Quốc) được xây mới hiện đại thì Ulaan Baator (Mông Cổ) và Porto Alegre (Brazil) đầu tư vào việc phát triển đô thị mẫu mực và cải tạo các khu ổ chuột. Mấy năm gần đây người ta nhận ra mối liên quan chặt chẻ giữa tình trạng khí hậu biến đổi quá nguy hiểm với việc khai thác sử dụng quá mức hoang phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ đất đai, nguồn nước và năng lượng hóa thạch.

Trong khi đó, phần lớn các thành phố và trung tâm dân cư nằm dọc theo bờ sông hay giữa các vùng thấp châu thổ và duyên hải. Các đô thị bền vững nay đặt nặng tiêu chí đầu tư cho việc sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng mới và vào các công trình bảo vệ chống xâm thực bởi thủy triều, sóng và nước biển. HafenCity của thành phố Hamburg (Đức) trên bờ sông Elbe là một mẫu hình đô thị bền vững trên bờ sông ảnh hưởng thủy triều. Từ các phố của một cảng cổ người ta thiết kế nên thành phố mới làm 5 bậc: Phía ngoài là cầu tàu gồm các phao (pontoon) lên xuống tới 3 mét theo con nước, tiếp theo là bến cảng và lối đi bộ, trên nữa là các công viên nằm giữa mức cao trình bến cảng với mặt đường cùng nền kiến trúc. Những cây cầu và đường dẫn bộ hành liên kết phố cổ dưới thấp vào thành phố mới trên cao.

Vận hành đô thị bền vững bằng Web 2.0

Thiết lập mạng Internet tích hợp công cụ tương tác tức thời như blog, wiki, video thế hệ Web 2.0 phủ khắp thành phố từ công sở đến tư gia được coi là đầu tư cho hạ tầng cơ sở thiết yếu (essential infrastructure) nhằm vận hành các đô thị bền vững.

Sự tham gia trực tuyến của cộng đồng vào việc điều hành rất quan trọng từ khâu bàn bạc, quyết định đến thực hiện. Người ta có thể thay đổi thói quen phân loại và tập kết rác thải chỉ trong vài ngày chứ không mất nhiều năm. Các dịch vụ công có thể được thực hiện chỉ trong vài phút. Nạn trộm cướp có thể chặn đứng ngay tại chỗ. Mọi cư dân nhận ra rằng mình có nhiều quyền lợi thiết thân và nghĩa vụ gắn kết với thành phố đang ở hơn họ đã tưởng, và thực sự họ đang làm chủ.

Vai trò vận hành của Web 2.0 nơi các thành phố điện tử được biểu thị bằng chữ 3C, bao gồm Cộng đồng điều hành (Community), Cộng hưởng thông tin (Communication) và Cộng tác thực hiện (Collaboration) ở cả lĩnh vực chính quyền, việc công và việc tư.

Người ta nhận ra rằng đầu tư cho hệ thống mạng luôn là việc tiết kiệm và có hiệu quả nhất. Một cư dân thành phố hay liên hiệp các đô thị nối mạng (networked urban) dễ dàng tìm được việc làm, nhà ở, thậm chí cả chỗ đậu xe hay nơi cung ứng dịch vụ gia đình. Việc ứng phó với các biến đổi xã hội, thời tiết, các biến động kinh tế hay thiên tai thảm họa đòi hỏi những thông tin tức thời và chính xác,

Điều này sẽ trở thành hiện thực khi chúng ta biến Web 2.0 từ phương tiện xã hội thành công cụ điều hành.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland