26/12/2010 1:09 AM
Năm 2010 là một năm nhiều thăng trầm của TTCK Việt Nam, chỉ số VN-Index biến động trong biên độ từ 423,89 - 549,51 điểm (22,86%). Chúng ta điểm lại một vài vụ đầu tư “ấn tượng” trong năm 2010 của các quỹ, tổ chức hay NĐT lớn để thấy hiệu quả hay… hậu quả của những thương vụ này.



Những vụ đầu tư lãi “khủng”…

Thông thường, lợi nhuận kỳ vọng của một tổ chức khi đầu tư cổ phiếu chỉ khiêm tốn ở mức 10 - 20%. Tuy nhiên, năm 2010 có vẻ khá thuận lợi với một số NĐT lớn. Với quyết định mua vào 53.682.474 cổ phần BVH trị giá hơn 1.880 tỷ đồng (khoảng 101,8 triệu USD), HSBC đã hoàn thành mục tiêu tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Tập đoàn Bảo Việt, từ mức 10,32% lên 18%. Với mức giá 35.000 đồng/CP khi HSBC mua vào BVH, hiện khoản đầu tư này đã đem lợi nhuận 1.743 tỷ đồng, tức lãi 92,74%.

Khoản đầu tư ấn tượng thứ hai là của BI Private Equity New Markets II K/S (một quỹ đầu tư do Bank Invest quản lý). Quỹ này đã mua 6.350.474 cổ phiếu MSN trong thời gian cuối năm 2009 - đầu năm 2010 tại mức giá 36.000 đồng/CP. Sau gần một năm, giá trị của khoản đầu tư này đã tăng 86,11%, đem lại một khoản lợi nhuận dự tính lên tới 196,864 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Long (KLS) có vẻ như đã ra quyết định rất chuẩn khi mua vào 0,5 triệu cổ phiếu của chính công ty mình vào cuối tháng 11/2010. Quyết định trên đã làm tăng giá trị khoản đầu tư của vị lãnh đạo này thêm 38,05%.

Cùng thời điểm, CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công cũng mua vào 4,4 triệu cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín. Khoản đầu tư này đã đem lại mức lợi nhuận ước tính 37,84 tỷ đồng, tăng 37,39%.


… và “méo mặt”

Tuy nhiên, không phải khoản đầu tư nào cũng đem lại lợi nhuận mơ ước như vậy, nhất là trong giai đoạn thị trường trầm lắng kéo dài. Danh sách những khoản lỗ lớn từ các thương vụ “thất bại” trong năm 2010 là khá dài.

Với quyết định mua hơn 424.000 cổ phiếu CDC vào giữa năm (mức giá ước tính khoảng 39.200 đồng/CP), Công ty Tài chính cao su Việt Nam đã bị lỗ khoảng 6,5 tỷ đồng, mất tới 39,03%.

CTCP Đầu tư Y tế Medi cũng chịu một khoản thua lỗ lên tới 89,983 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu “đình đám” nhất thời gian qua - DVD, ở mức giá 140.000 đồng/CP. Tuy nhiên, thiệt hại này có vẻ như là “oan”, nhất khi giá cổ phiếu DVD bị điều chỉnh giảm 44.000 đồng để phát hành thêm cổ phiếu, nhưng sau đó lại bị hủy bỏ (vụ việc này đã được ĐTCK đề cập trước đó). Dù gì đi nữa, ở mức giá 41.000 đồng/CP của DVD hiện nay, Medi cũng mất đi 70,71% giá trị danh mục.


Theo thống kê của LCF Rothschild (Anh), tính đến cuối tháng 11/2010, hầu hết quỹ đầu tư tại Việt Nam đều có mức tăng trưởng âm giá trị tài sản ròng (NAV).

Tụt hạng nhiều nhất là nhóm 3 quỹ chứng khoán của Công ty Quản lý Quỹ PXP gồm Vietnam Lotus Fund (VLF), Vietnam Emerging Equity Fund (VEEF) và PXP Vietnam Fund (PVF), vốn dẫn đầu tăng trưởng NAV trong năm 2009. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2010, mức sụt giảm trung bình của 3 quỹ PXP này khoảng 22%.

Hai tên tuổi lớn trong các quỹ tại Việt Nam là VinaCapital và Dragon Capital cũng không thoát khỏi tình trạng này. Quỹ chứng khoán Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital tăng trưởng -4% (so với mức tăng 30,1% năm 2009). Hai quỹ của Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) và Vietnam Growth Fund (VGF) lần lượt chia nhau con số tăng trưởng -14,8% và -2,4% (so với mức tăng trên 14% năm 2009).

Quỹ chứng khoán VEH của Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM), hoạt động khá tốt trong năm 2009 (NAV tăng 39,8%), cũng sụt giảm 19,9% trong năm nay.

Theo lý giải của một số chuyên gia, đồng tiền Việt Nam mất giá khiến một số quỹ chứng khoán phải thoái vốn nhằm hạn chế đà giảm của NAV. Với mức lãi suất cho vay gần 20% và chênh lệch tỷ giá tự do có khi đến 10% thì khó có quỹ đầu tư chứng khoán nào có thể vượt ngưỡng 30% này để đạt tăng trưởng NAV dương trong năm 2010.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland