heo một giám đốc công ty chứng khoán, nếu ví thị trường chứng khoán năm 2010 như một trận cầu, thì đây đúng là trận cầu bị… mất lửa.

Hàng công yếu

Vị giám đốc trên cho rằng hàng công của chứng khoán năm 2010 chính là tình hình kinh tế vĩ mô. Những bất ổn của kinh tế trong năm 2010 là tác nhân lớn khiến cho chứng khoán lâm vào cảnh chợ chiều.

Khi Việt Nam gặp các đối thủ trong giải AFF Suzuki Cup năm nay, tỷ số luôn rất khó dự đoán. Tương tự vậy, đa phần các dự đoán về thị trường chứng khoán 2010 đều có độ chính xác không cao. Phải chăng chính các “nhà bình luận” trong nước đã quá ưu ái cho “đội nhà”? Con số 700 điểm được dự báo từ đầu năm đã không thành hiện thực khi chứng khoán liên tục quay vòng quanh con số 500 điểm. Và đã có lúc chỉ số chứng khoán rớt mạnh xuống còn 420 điểm.

Tựu trung, những lo ngại trong năm 2010 của thị trường chứng khoán đều xoay quanh những vấn đề bất ổn của kinh tế vĩ mô khiến dòng tiền vào chứng khoán bị thắt chặt, đó là lãi suất, tỷ giá, lạm phát… Trong đó, yếu tố tác động mạnh đến tâm lý thị trường chứng khoán chính là lạm phát.

Lạm phát tăng cao khiến nhà đầu tư chứng khoán không dám mạnh tay bỏ vốn vào thị trường. Một phần vì không chắc khoản lợi nhuận từ đầu tư có bù được lạm phát; một phần vì lo ngại Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp như tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Những động thái này sẽ tác động trực tiếp lên thị trường.

Bên cạnh đó, chứng khoán năm 2010 bị tác động không nhỏ của Thông tư 13 quy định về tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng. Thông tư 13 khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán do nguồn vốn cho vay của các ngân hàng bị thu hẹp.

Tỷ giá cũng là vấn đề khiến thị trường thêm lo ngại. Từ khi tỷ giá liên ngân hàng được điều chỉnh tăng gần 2,1% vào ngày 17-8, lên 18.932 đồng/đô la Mỹ, nhiều doanh nghiệp niêm yết đối diện với giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, chi phí sản xuất cũng tăng khiến cho lợi nhuận giảm so với cùng kỳ và so với quí trước.

Trong khi thị trường vẫn tiếp tục đi ngang trong nhiều tháng thì đầu tháng 11, lãi suất cơ bản đột ngột tăng lên 9% sau 12 tháng ở mức 8% khiến thị trường rớt mạnh xuống 420 điểm. Những lo lắng của nhà đầu tư dường như đã trở thành hiện thực trước thông tin này. Vậy là cùng với Thông tư 13, lãi suất đã khiến dòng tiền vào chứng khoán càng eo hẹp hơn.

Nói chuyện với báo chí trong một hội thảo gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định các tác động của tình hình kinh tế vĩ mô đã khiến cho thị trường chứng khoán không tăng trưởng mạnh trong năm 2010. Vẫn giữ thái độ thận trọng ông Nghĩa dự báo thị trường chứng khoán năm 2011 chỉ tăng nhẹ lên khoảng 520 điểm vì những yếu tố tiêu cực của nền kinh tế chưa thể khắc phục hoàn toàn trong một sớm, một chiều.

Hàng giữa vô tâm

Trong một trận cầu hàng tiền vệ là những cầu thủ giữ vai trò cầu nối, lên công về thủ nhịp nhàng, hỗ trợ đắc lực cho cả hàng công lẫn hàng thủ. Trong ý nghĩa đó, vai trò của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay các sở giao dịch chứng khoán có thể ví như một hàng tiền vệ. Nghĩa là họ vừa xây dựng các bức tường ngăn cản những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, vừa là người tạo điều kiện để các công ty chứng khoán đưa ra nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.

Đứng ở góc độ một chuyên gia chứng khoán độc lập, ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng trong năm qua Ủy ban Chứng khoán đã không hoàn thành nhiệm vụ khi chuyện thao túng giá trở nên phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của nhà đầu tư. Các hàng rào mà ủy ban đề nghị Bộ Tài chính dựng lên để ngăn cản các vụ thao túng giá hầu như không có tác dụng. Chuyện làm giá ngày càng trở nên tinh vi và phổ biến hơn.

Chuyện ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Viễn Đông (DVD), bị bắt tạm giam vì hành vi thao túng giá chứng khoán theo điều 181C Bộ luật Hình sự được đánh giá là một sự kiện lớn trong năm qua ở lĩnh vực này. Chuyện bắt giữ này được công luận ủng hộ vì đây là lần đầu tiên việc thao túng giá bị xử lý hình sự, chứ không chỉ phạt tiền như trước đó.

Tuy vậy, ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán, cũng cho rằng “chế tài là một biện pháp quan trọng để những người thao túng giá chùn tay, nhưng thị trường khó đi vào khuôn khổ nếu thiếu sự quản lý của cơ quan nhà nước và sự phát triển đồng bộ của nhiều thành viên trong thị trường”. Theo ông Nam, hiện nay các vụ làm giá mà cơ quan chức năng có thể phát hiện là không nhiều. Và khi phát hiện thì mức độ ảnh hưởng cũng đã rất trầm trọng tới những nhà đầu tư cổ phiếu đó. Vì vậy, các biện pháp như theo dõi tài khoản phải được thực hiện chặt chẽ, có sự phối hợp của các công ty chứng khoán để có thể phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu thao túng giá và có biện pháp xử lý kịp thời.

Đầu năm nay, một vị đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết sẽ ban hành quy định cho nhà đầu tư bán chứng khoán trong ngày T+2 ngay trong tháng 1, thay vì T+4 như hiện nay, để giảm rủi ro và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tuy vậy, cho đến hiện tại, cơ quan này cho biết vẫn chưa hoàn thiện phần mềm hệ thống của trung tâm lưu ký chứng khoán và tại các công ty chứng khoán nên chưa thể ban hành quy định trên.

Thêm vào đó, nhiều sản phẩm hỗ trợ thị trường khác như giao dịch ký quỹ, cho nhà đầu tư mua bán cùng loại chứng khoán trong phiên… cũng đã có dự thảo nhưng cho đến nay vẫn chưa có công cụ nào được áp dụng để giúp cho thị trường có động lực đi lên.

Hàng thủ điêu đứng

Tại giải AFF Suzuki Cup vừa qua, Việt Nam thất thủ khi hàng phòng ngự không thể chống cự được các đợt tấn công của các đội bạn; còn trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì nhà đầu tư chính là những người gánh chịu hậu quả nặng nề do hàng công yếu và hàng giữa quá vô tâm.

Trong câu chuyện với vị giám đốc công ty chứng khoán đề cập ở đầu bài, ông cho rằng nhìn chung năm 2010 có thể xem là một năm thua lỗ đối với những người có mặt thường xuyên trên thị trường. “Chỉ những ai mới tham gia giao dịch vào thời điểm từ giữa tháng 11 trở lại đây mới mong tìm kiếm được lợi nhuận”, vị này nhấn mạnh. Tính đến hết ngày 22-12, VN-Index đạt 481,53 điểm, so với mức 494,77 điểm của phiên cuối cùng năm 2009 thì chứng khoán đã mất hơn 13,24 điểm (2,67%).

Trong khi đó, sàn Hà Nội chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh của chỉ số HNX-Index với 54,44 điểm (32,37%). Như vậy, năm 2010 có thể ghi nhận là một năm làm ăn thất bại của chứng khoán. Cùng với sự đi xuống của thị trường là sự thua lỗ của nhà đầu tư. Nhiều quỹ đầu tư đã bị giảm giá trị tài sản ròng rất lớn trong năm qua. Trong đó có những quỹ lớn như VinaCapital Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital bị giảm 4% giá trị tài sản ròng (NAV - tính đến hết tháng 11) trong khi cùng kỳ 2009 tăng 30,1%, hai quỹ của Dragon Capital cũng chịu chung số phận. Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) giảm 14,8% và Vietnam Growth Fund (VGF) giảm 2,4%.

Cùng theo đó là sự thua lỗ của hàng loạt công ty chứng khoán khi công bố kết quả kinh doanh ba quí vừa qua. Đa phần các công ty nhỏ đều lỗ ở mảng tự doanh, môi giới do thanh khoản thị trường yếu, chỉ số chứng khoán mất điểm. Các công ty còn lại, nhờ vào các mảng dịch vụ khác nên có thể vượt qua “sóng dữ” nhưng lợi nhuận vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Cafeland.vn - Theo Thanh Thương (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland