Tình trạng Index tăng, giá trị danh mục giảm ngày càng rõ nét và ngày càng nhiều nhà đầu tư quay lưng lại với chỉ số. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận chuyển sang chiến lược tranh mua những mã dẫn dắt.
Trong “bộ tứ” đẩy VN-Index hôm nay, xuất hiện cổ phiếu mới là HAG. Có lẽ đây không phải là “con bài chiến lược” của khối ngoại vì tỉ trọng giao dịch với cổ phiếu này rất thấp. Khối ngoại chỉ mua vào chiếm 31% thanh khoản, bán ra chiếm 2,6%. Cầu tại HAG chủ yếu là nhà đầu tư trong nước.

HAG hôm nay có điều kiện tốt để tăng giá khi thực hiện điều chỉnh kỹ thuật, từ 79.500 đồng xuống 53.500 đồng/cổ phiếu. “Truyền thống” với các cổ phiếu có điều chỉnh giá tại ngày giao dịch không hưởng quyền, cả lớn lẫn nhỏ, là “lăn chốt”. Chưa có cổ phiếu nào không tăng giá tại ngày chốt quyền, thậm chí phổ biến là chặn mua trần khối lượng lớn.

HAG hút một lượng vốn khá lớn trên sàn HOSE với trên 1,61 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Giá trị giao dịch đạt 89,5 tỷ đồng, đóng góp 9,1% vào giá trị khớp lệnh tại sàn này. Đây là lượng giao dịch kỷ lục trong gần 10 tháng của HAG. Thường các cổ phiếu được “lăn chốt” có đà tăng không bền, chủ yếu là T+4. Không rõ HAG có “phá lệ” hay không vì đây cũng là một mã có quy mô vốn hóa rất lớn.

Sau khi BVH, VIC và MSN đóng dấu ấn quá rõ rệt vào VN-Index, đặc biệt là hành trình tăng trần liên tục, nhà đầu tư trong nước hôm nay bắt đầu chú ý nhiều hơn đến chiến thuật chạy theo khối ngoại.

BVH bất ngờ được chặn mua tới cả trăm ngàn đơn vị ở giá trần, điều hiếm thấy trong 4 tháng tăng giá vừa qua của cổ phiếu này. Khối ngoại thực tế chỉ giao dịch chi phối tại BVH trong khoảng thời gian đầu phiên giao dịch. Cầu lẫn thanh khoản rất thấp như thường thấy. Khoảng giữa đợt giao dịch liên tục, cầu tại BVH tăng lên đột ngột, thanh khoản cũng tăng lên. Đây có thể là biểu hiện của dòng vốn nội tham gia. Thống kê cuối phiên, khối ngoại mua vào chỉ còn chiếm 84% thanh khoản của BVH, trong khi bán ra chiếm 49%.

Ngoài BVH, PVF, MSN đã quá quen thuộc và không thể mua trong phiên, nhà đầu tư trong nước bắt đầu dự đoán các cổ phiếu khác sẽ tham gia vào danh sách tiềm năng có thể tác động đến chỉ số. Rất có thể một bộ phận khá đông nhà đầu tư lựa chọn DPM và PVD, chí ít từ những gì hai cổ phiếu này thể hiện hôm nay.

DPM tăng giá sớm nhưng không đột biến. Khoảng 9h15 phút, lực mua bắt đầu mạnh lên rõ rệt và giá được đẩy lên kịch trần. PVD khởi động muộn hơn và được đẩy trần khoảng 10h22 phút. Ở cả hai mã này khối ngoại giao dịch không nhiều. Với DPM, lực mua của vốn ngoại chiếm 38% thanh khoản và tại PVD là 45,6%.

Việc cầu “nội” tăng lên ở một số cổ phiếu lớn như DPM, PVD rất có thể là tín hiệu cho việc thay đổi chiến lược ở một bộ phận nhà đầu tư. Rất có thể nhiều người “nuối tiếc” cơ hội tại BVH và biết đâu cơ hội lặp lại tại các cổ phiếu khác. Dĩ nhiên đó chỉ là phỏng đoán nhưng việc dịch chuyển sức cầu có thể nhận thấy khá rõ ràng.

Chiến thuật này có thể không tồi, nhưng cũng có rủi ro. Lượng cung trôi nổi tại PVD và DPM, thậm chí cả HAG, PVF không hề nhỏ. Tổ chức trong nước cũng nắm giữ khá lớn. DPM hôm nay bị xả mạnh khi cầu tăng lên và đã có lúc tưởng chừng không phục hồi lại được. Khối lượng giao dịch của PVD, HAG, DPM đều đạt kỷ lục trong nhiều tháng, khác hẳn với MSN hay BVH.

Hiện tượng đánh theo chỉ số đang khiến rất nhiều nhà đầu tư bức xúc vì nguyên nhân rất bình thường: Chỉ số cứ tăng vượt mốc nọ mốc kia nhưng danh mục đa số lại giảm. HNX-Index bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Thực ra tại HNX còn dễ đẩy Index hơn HOSE nhưng do khối ngoại không tập trung nhiều trên sàn này nên sự “lũng đoạn” không xảy ra.

Tại một số thời điểm VN-Index tăng mạnh, độ rộng của sàn HOSE cũng rất kém. Mở cửa, chỉ có 4 mã trần, 61 cổ phiếu tăng giá nhưng VN-Index tăng 7,5 điểm. HNX thậm chí còn hơn 100 mã giảm giá.

Quan sát diễn biến độ rộng của sàn HOSE hôm nay có thể thấy việc đẩy một số cổ phiếu lớn vẫn có tác dụng. Sau khoảng 15 phút đầu đợt hai khi duy nhất 4 cổ phiếu lớn kịch trần, số lượng cổ phiếu tăng giá bắt đầu nhiều lên. Lực mua đã vào ở những mã còn lại trong khi các mã dẫn dắt không còn kéo chỉ số tăng thêm được nữa. VN-Index đạt đỉnh khoảng 9h20 phút ở mốc 507,89 điểm.

Tuy nhiên cũng giống như hôm qua, sự hưng phấn ở các cổ phiếu tăng theo không bền. Áp lực bán tăng lên nhanh và sóng giảm kéo dài sau đó. Nhà đầu tư không tin tưởng nhiều vào việc “đột phá” ngưỡng kháng cự với duy nhất vài mã lớn. Có thể tình trạng chỉ số tăng sẽ còn kéo dài cho đến chừng nào các tổ chức buông tay. Không rõ sẽ có bao nhiều vốn chạy theo chiến lược đầu cơ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn như vậy và liệu có lượng cầu vào thay thế để thoát hàng hay không.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland