Dòng tiền chỉ đổ mạnh vào thị trường khi xuất hiện tín hiệu chuyển biến rõ rệt của kinh tế vĩ mô và khi xu hướng tăng được khẳng định
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 18-1, mặc dù chỉ số giá trên sàn TPHCM tăng (sàn Hà Nội giảm) nhưng không khí giao dịch trên thị trường ảm đạm. Nhiều cổ phiếu sau khi đã giảm mạnh trong tuần trước lại tiếp tục giảm thêm làm cho nhà đầu tư lo lắng.
Ôm tiền chờ
Ông Lê Quang, một nhà đầu tư trên sàn SSI, cho biết chứng khoán ảm đạm kéo dài đã hơn một năm nay làm cho nhiều người nản chí. Những người còn đeo bám trên sàn chủ yếu là dân chuyên nghiệp, họ đã bị lỗ nặng trong năm vừa qua nên kiên trì chờ đợi để hy vọng kiếm lại những gì đã mất.
Tuy nhiên, do sự biến động của chứng khoán quá thất thường nên những người càng kiên trì bám trụ để lướt sóng lại càng thua đậm hơn. Bởi vậy, nhiều tổ chức và nhà đầu tư lớn thường chỉ đánh một vài lần trong năm, sau đó gom vốn rồi đem gửi tiết kiệm để chờ cơ hội.
Trong đợt đánh để nâng giá trị tài sản đầu tư vào cuối năm ngoái, giá trị giao dịch ngày cao nhất đạt 5.500 tỉ đồng/phiên (nếu tính cả những lệnh mua không khớp thì số tiền đổ vào thị trường sẽ còn lớn hơn) nhưng nay chỉ còn khoảng 1/3.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán JSC, lượng tiền bán cổ phiếu trong dịp vừa qua một số vẫn còn nằm trong tài khoản, còn một số đã chuyển sang gửi tiết kiệm ngắn hạn để lấy lãi.
Tại Công ty Chứng khoán Kim Long, vào thời điểm hết năm 2010, giá trị tiền gửi ngân hàng lên đến 1.600 tỉ đồng. Hiện cả nước có trên 100 công ty chứng khoán và hàng chục quỹ đầu tư.


Nhà đầu tư hy vọng cuối quý I, lạm phát hạ xuống, chính sách tiền tệ nới lỏng, chứng khoán sẽ khởi sắc. Ảnh: HỒNG THÚY


Như vậy tiền mặt của các tổ chức đầu tư tài chính nằm chờ cơ hội là rất lớn. Đó là chưa kể lượng tiền của một bộ phận nhà đầu tư cá nhân đang sẵn sàng rót vào khi thị trường chuyển biến tốt.
Năm qua, các doanh nghiệp (DN) mê phát hành, chia thưởng cổ phiếu nhưng năm nay đại bộ phận các đơn vị niêm yết lại quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt. Hiện một số DN đã chốt quyền hoặc lên kế hoạch tạm ứng cổ tức tiền mặt, tính sơ bộ đã lên 6.500 tỉ đồng (trong đó riêng Eximbank hơn 1.200 tỉ đồng).
Qua đó cho thấy trong và sau quý I/2011, nguồn tiền mặt cổ tức nhà đầu tư được hưởng là khá lớn. Nếu dòng tiền này được đổ vào cổ phiếu thì lực cầu thị trường sẽ mạnh thêm.
CPI sẽ hạ trong cuối quý I?
Mặc dù giá cổ phiếu đang ở mức thấp (nhiều mã dưới giá trị sổ sách hoặc P/E ở mức 5 - 6 lần) nhưng sức mua vẫn yếu. Bởi đại đa số nhà đầu tư cho rằng khi lạm phát còn nằm ở mức cao và chênh lệch tỉ giá ngoại tệ trên thị trường không được rút ngắn thì chính sách tiền tệ khó nới lỏng, chứng khoán chưa thể sớm khởi sắc.
Do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao nên lãi suất tín dụng chưa thể hạ xuống, chính sách tỉ giá ngoại tệ chưa thể thay đổi, vì vậy mức chênh lệch giá USD trên thị trường liên ngân hàng và chợ đen đang còn rất cao, gây rủi ro cho hoạt động kinh doanh của DN.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nên chỉ số CPI sẽ còn tăng cao. Sau đó, giá nhu yếu phẩm sẽ chựng lại và từ cuối quý I/2011, CPI sẽ hạ xuống, lúc đó Ngân hàng Nhà nước mới có thể điều chỉnh chính sách nhằm giảm lãi suất tín dụng. Mức giảm lãi suất sẽ giảm dần và tạo đáy trong quý III khi CPI xuống mức thấp nhất trong năm.
Mặc dù những mặt hàng như: xăng dầu, than, điện sẽ được điều chỉnh tăng nhưng tác động không lớn lắm, nó chỉ góp phần tăng CPI tối đa 2,5%. Sau hơn một năm mòn mỏi chờ chứng khoán khởi sắc, với suy luận về triển vọng lạm phát như vậy, nhiều nhà đầu tư lại tiếp tục kỳ vọng vào sự chuyển biến tốt của CPI trong quý I này.
Cafeland.vn - Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland