Không nằm ngoài các dự đoán, lãi suất cho vay USD trên thị trường được hàng loạt các NH điều chỉnh thời gian qua là hiệu ứng tất yếu đi sau các điều chỉnh mạnh đối với lãi suất huy động.

Chưa phải là lý do chính, song hiệu ứng này cùng với các lo ngại về biến động tỉ giá khiến hoạt động cho vay ngoại tệ trên một số địa bàn có mức giảm đáng kể.

Hiệu ứng dây chuyền

Mặt bằng lãi suất huy động USD trên thị trường hiện nay đang giữ ổn định ở một mức cao, nhờ rất nhiều các điều chỉnh tăng trước đó của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Sự cạnh tranh liên tục của các NHTM cổ phần nhỏ đối với nguồn huy động ngoại hối khiến lãi suất đầu vào của dòng vốn này tăng nóng chỉ trong một thời gian ngắn. Xác lập đỉnh lãi suất huy động USD trên thị trường hiện thuộc về WesternBank với mốc 6,35%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất lần thứ ba liên tiếp của WesternBank chỉ riêng trong hai tuần cuối cùng của tháng 1.2011, cho thấy sức nóng của cuộc cạnh tranh lãi suất trên thị trường.


Biến động tỉ giá khiến hoạt động cho vay giảm đáng kể. Ảnh: Giang Huy

Không hề thua kém, NaviBank cũng nâng lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng lên mức 6,24%/năm đồng thời cũng áp dụng biểu lãi suất cao 6,04-6,14%/năm cho các kỳ 3-9 tháng. Mốc lãi suất 6%/năm cũng được nhiều NHTM cổ phần lựa chọn và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt NH như KienlongBank, GiaDinhBank hay FicomBank cũng đưa lãi suất huy động USD cao nhất lên quanh mức 6-6,3%/năm áp dụng cho sản phẩm lĩnh lãi cuối kỳ. Mặt bằng lãi suất bình quân trên thị trường nhanh chóng tăng lên sau điều chỉnh của các NH.

Theo thống kê của NHNN, đến thời điểm trước tết âm lịch, lãi suất huy động USD ở các kỳ hạn dưới 12 tháng phổ biến ở mức 4,2-5,8%/năm và lên mức 4,5-6%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Tác động dây chuyền của lãi suất đầu vào tăng sớm đưa lãi suất cho vay USD lên mức mới và theo tính toán của NHNN, lãi suất cho vay tính đến tuần thứ tư của tháng 1 tăng 0,3-0,5%/năm so với trước đó chỉ một tuần. Động thái song hành tăng lãi vay của các NH đưa lãi suất cho vay USD phổ biến lên mức 5,6-6,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,2-8%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.


Sức ép lợi nhuận


Dù có thông tin về việc một số NH tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD, song cho đến thời điểm ngày 10.2, mới có VietBank chính thức công bố kéo lãi suất cao nhất trong biểu niêm yết xuống dưới 6%/năm. Với điều chỉnh này, lãi suất huy động USD cao nhất tại VietBank hiện được kéo xuống còn 5,4%/năm ở kỳ hạn 1 tháng. Trong khi đó, với các điều chỉnh mới nhất được đưa ra trong ngày 29.1 và 8.2, lãi suất huy động USD cao nhất tại WesternBank vẫn là 6,35%/năm, tại KienLongBank là 6,3%/năm và tại GiaDinhBank, Ficombank là là 6,2%/năm. Diễn biến này cho thấy, cuộc cạnh tranh lãi suất huy động USD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thực sự.


Sức nóng của lãi suất huy động khiến nguồn vốn ngoại tệ đổ vào NH tại một số địa bàn tăng rất mạnh. Như tại khu vực TPHCM, theo số liệu dự ước của Cục Thống kê TPHCM, vốn huy động ngoại tệ đổ vào NH trong tháng 1.2011 trên địa bàn tăng đến 4,91% so với cuối năm 2010. Mức tăng này góp phần tạo nên tốc độ tăng huy động vốn chung của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong tháng 1.2011 là 6,82%. Song trái ngược với tốc độ tăng của vốn huy động ngoại tệ, theo ước tính của Cục Thống kê TPHCM, cho vay ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn lại giảm nhẹ trong tháng 1.


Cụ thể cho vay ngoại tệ của các TCTD trong tháng 1 đạt 197.700 tỉ đồng - chiếm 27,3% tổng dư nợ. Nếu so với số liệu vào cuối năm 2010, các tính toán cho thấy dư nợ cho vay bằng ngoại tệ trên địa bàn TPHCM trong tháng 1.2011 giảm khoảng 0,23%. Diễn biến này cho thấy, nguồn vốn ngoại tệ huy động được không hẳn được các NH giải ngân cho vay ngay. Việc NH gia tăng hút vốn ngoại tệ thông qua việc tăng mạnh lãi suất huy động có thể nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho các kế hoạch dài hơi hơn. Mức chênh lệch lãi suất lên tới 9-10% giữa lãi suất cho vay USD và VND cũng có thể là cơ hội tốt cho các NH kiếm lời thông qua việc hoán đổi ngoại tệ sang VND và cho vay lại.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland