Giá vàng trong nước năm 2011 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các áp lực điều chỉnh tỷ giá và tăng khá mạnh giá một số mặt hàng trong diện nhà nước quản lý, như giá điện và than; cũng như tùy thuộc vào lượng nhập khẩu các hàng hóa và nguyên liệu.

Năm 2010 đánh dấu đỉnh cao của một thập kỷ liền tăng giá liên tục, giá vàng thế giới lập kỷ lục ấn tượng nhất trong lịch sử là 1.430,95 USD/ounce vào trung tuần tháng 11/2010, so với mức 1.096 USD ngày đầu năm 2010 (tức tăng 30,5%) và mức 270 USD cách đây 10 năm (tăng 530%). Tương tự, giá vàng trong nước cũng đạt đỉnh cao kỷ lục nhất từ trước đến nay là 3,830 triệu đồng/chỉ vào ngày 9/11/2010 so với mức giá dưới 2 triệu đồng/chỉ vào quý I/2009 (tăngkhoảng 200%)...

Vậy mạch đập của giá vàng năm 2011 sẽ ra sao?

Thực tế cho thấy, trong tháng 1/ 2011, giá vàng trong nước "phập phồng" trong mốc từ 3,5- 3,6 triệu đồng/chỉ và mới vọt qua ngưỡng 3,6 triệu đồng /chỉ vào ngày 9/2/2011 (khi giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ dao động trên biên độ khá rộng 1.350-1.367 USD trong phiên giao dịch New York ngày 8/2/2011, vượt mức 1.367 USD một ounce)...Điều đáng chú ý là biên độ giao dịch giá khá rộng cả trên thị trường trong nước và nước ngoài. Giá vàng thế giới giao động từ 1.350-1.367 USD/ounce. Khoảng cách mua - bán vàng trong nước từ 100.000 -140.000 đồng/chỉ và độ vênh giá trong nước cao hơn giá nước ngoài cũng khoảng 100.000đ/chỉ.

Giá vàng thế giới trong năm 2011 tiếp tục tùy thuộc mạnh và trực tiếp vào sự cải thiện tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung; trạng thái mua vào của các ngân hàng TW, các quỹ đầu tư vàng; chính sách tài chính-tiền tệ, tình hình nợ công và các cân đối vĩ mô của các nước; đồng thời, sẽ chịu ảnh hưởng đậm nét hơn của nhân tố Trung Quốc và tình hình cung-cầu về lương thực trên thế giới.

Sự cải thiện về tốc độ tăng giá vàng ôn hòa hơn trong năm 2011 so với mức tăng "sốc" của năm 2009 và 2010 được dựa trên kỳ vọng năm 2011 kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, dù tốc độ có chậm lại chút ít so với 2010; Giá nguyên liệu có thể giảm mạnh, làm tăng lợi nhuận ở các nền kinh tế phát triển. Lạm phát và bong bóng tài sản thương mại đang tăng lên, nhưng chỉ xuất hiện ở một số nước, chứ không lan rộng ra quy mô toàn cầu, vì tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10% ở các nền kinh tế phát triển, tiền lương thấp và mức tăng thu nhập chậm, nhu cầu tiêu dùng sẽ chưa tăng nhanh. Thế giới cũng sẽ có cải thiện tốt hơn về xu hướng thắt chặt tiền tệ và quản lý tài chính, cũng như sự điều chỉnh mạnh hơn và phối hợp chính sách để giải quyết cac vấn đề quốc gia và quốc tế.

Nguồn ảnh: Dantri

Ngoài ra, thế giới vẫn còn có lý do để lo ngại những rủi ro và khó dự đoán đến từ phía các quyết sách kinh tế của chính phủ nhiều nước, nhất là từ những nước con nợ lớn nhằm giải tỏa các khó khăn tài chính của mình. Nợ đang trở thành quá tải đối với các nền kinh tế lớn, và chạm tới tận các cơ quan công quyền địa phương . Viện Tài chính Quốc tế ước tính trong năm 2011, Mỹ cần phải vay thêm hơn 4.000 tỷ USD, châu Âu phải vay thêm tổng cộng 3.000 tỷ USD. Nhật Bản - nước đang mắc nợ cao nhất và có nợ ngắn hạn nhiều nhất thế giới - sẽ cần phải huy động thêm một lượng vốn chiếm hơn 50% GDP trong năm tới. Các nền kinh tế mắc nợ nhiều sẽ buộc phải tính tới nhiều giải pháp, như tăng thuế, thay đổi cơ cấu nợ, giảm chi tiêu công hoặc quay trở lại với các chính sách tài chính bền vững hơn.

Trong bối cảnh áp lực tăng lạm phát toàn cầu và suy giảm hệ số tín nhiệm, nhất là trái phiếu chính phủ của hàng loạt các con nợ và cả các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, xu hướng tiếp tục gia tăng dự trữ vàng vẫn là chủ đạo trong trung hạn, cả ở cấp vĩ mô, lẫn vi mô.

Với trên 2600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, lại chịu áp lực tăng dự trữ vàng để cải thiện cơ cấu dự trữ quốc gia, củng cố vị thế quốc tế đồng Nhân dân tệ, kiềm chế lạm phát, Trung Quốc dư thừa phương tiện và có nhiều động lực, cũng như toan tính và kế hoạch riêng để tiếp tục "tạo sóng" trên thị trường tài chính quốc tế (Trung Quốc đã nhập khẩu 209 tấn vàng trong 10 tháng đầu năm 2010, tăng gấp gần 5 lần so với lượng nhập cả năm 2009 và đó là một trong các nguyên nhân làm tăng giá vàng thế giới).

Những năm gần đây, về nguyên tắc, giá vàng trong nước diễn biến theo giá vàng quốc tế cũng như tùy thuộc vào tương quan cung-cầu, tỷ giá USD/VND và tâm lý của nhà đầu tư... Đặc biệt, do phụ thuộc nguồn cung nhập khẩu chưa được tự do hóa hoàn toàn, nên thông thường giá vàng trong nước có mức cao hơn, cũng như lên nhanh hơn, nhưng xuống chậm hơn so với tốc độ giá thế giới (năm 2010 có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 200.000đ/chỉ).

Về tổng thể và cơ bản, do chịu nhiều áp lực cũ, đa dạng, nhưng có điều chỉnh về liều lượng và cơ cấu nhân tố cụ thể, giá vàng trong năm 2011 sẽ khó có cơ hội giảm sâu để trở về mức giá đầu năm 2010, mà sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ ôn hòa hơn năm 2010. Mức tăng giá vàng cả năm 2011có thể chỉ vào khoảng trên dưới 10% so với mức đỉnh cao nhất của giá vàng năm 2010, thay vì tăng tới 30% so với năm trước, như trong 2 năm liên tiếp 2009 và 2010. Đặc biệt, giá vàng trong nước sẽ không có nhiều đợt biến động nhanh và sốc như trước đây.

Hơn nữa, giá vàng trong nước năm 2011 ngoài những nhân tố trên, còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các áp lực điều chỉnh tỷ giá và tăng khá mạnh giá một số mặt hàng trong diện nhà nước quản lý, như giá điện và than; cũng như tùy thuộc vào lượng nhập khẩu các hàng hóa và nguyên liệu...Động thái giá vàng nói riêng và sự ổn định các giá cả trong nước nói chung tùy thuộc rất lớn vào sự đảm bảo đồng bộ và phối hợp tốt các chính sách và năng lực quản lý nhà nước về các vấn đề có liên quan, đảm bảo sự liên thông trực tiếp giữa các loại thị trường trong nước và nước ngoài, phù hợp nguyên tắc cạnh tranh thị trường lành mạnh, đầy đủ và minh bạch, dựa trên hệ thống thông tin tốt, phản biện khoa học và bộ máy tham mưu có đủ năng lực và trách nhiệm cao.

Cafeland.vn - Theo TuanVietnam.net
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland