28/12/2010 4:03 AM
Sau vụ “bong bóng đất” ở Ba Vì nổ tung hồi tháng 4, tháng 5/2010, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội rơi vào cảnh trầm lắng, nhưng thực chất, tại nhiều dự án, bất động sản vẫn “âm thầm”sốt.

Khu đất liền kề dự án Đại học Vân Canh đang sốt nó

Theo tìm hiểu của ĐTCK, đất liền kề dự án Đại học Vân Canh do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TST làm chủ đầu tư có giá gốc 36 triệu đồng/m2, hiện đang được chào bán với giá 42,5 triệu đồng/m2. “Đây mới chỉ là giá của hợp đồng góp vốn đầu tư và bây giờ ký thì khoảng 2 năm nữa mới ‘ra’ được hợp đồng mua bán”, nhân viên của một trung tâm bất động sản trên đường Hoàng Ngân nói và chìa ra một bản hợp đồng góp vốn khác được ký tháng 7/2009, với giá 16 triệu đồng/m2 để tiếp thị: “Nếu lấy ô này thì giá là 53 triệu đồng/m2, bảo đảm chỉ khoảng giữa năm 2011 là có hợp đồng mua bán”.

Giá tăng gấp 2 - 3 lần

Làm một phép tính qua thông tin nêu trên có thể thấy, giá gốc đất liền kề tại dự án Đại học Vân Canh từ tháng 7/2009 đến nay đã tăng lên gấp 2,25 lần (36 triệu đồng/16 triệu đồng/m2). Còn nếu đem so sánh giá gốc 16 triệu đồng/m2 với giá giao dịch hiện nay 53 triệu đồng/m2, thì giá đã tăng gấp 3,3 lần.

Tương tự như vậy, các dự án dọc đường Lê Trọng Tấn kéo dài thời điểm tháng 6/2010 được chào bán trên thị trường tự do từ 40 - 60 triệu đồng/m2 tùy vị trí, thì hiện đang được chào bán với giá từ 50 - 80 triệu đồng/m2. Đất nền dự án Văn Phú, Văn Khê, Mỗ Lao trước đây được chào bán 60 - 70 triệu đồng/m2, thì nay được chào bán từ 80 - 120 triệu đồng/m2. Giá đất các khu vực An Khánh, Hoài Đức trước đây từ 35 - 40 triệu đồng/m2, khu vực Quốc Oai 20 - 30 triệu đồng/m2, nay cũng đã đồng loạt tăng lên trên 50 triệu đồng/m2. Riêng căn hộ chung cư không biến động nhiều, giá cả duy trì ổn định, nhưng ở mức cao. Một số dự án ở vị trí đẹp, tiến độ thi công nhanh, giá cả có chiều hướng tăng.

Đất nền khu vực phía Bắc và Đông TP. Hà Nội được khảo sát hồi tháng 6/2010 tăng 30% so với cuối năm 2009, thì nay đã tăng thêm khoảng 20%. Hồi tháng 6/2010, giá đất ở Gia Lâm (Sài Đồng, Việt Hưng) dao động từ 35 - 40 triệu đồng/m2; khu vực huyện Mê Linh khoảng 10 -12 triệu đồng/m2.

Đất thổ cư mặt đường liên huyện, liên xã tại Thạch Thất, Quốc Oai được chào bán hồi đầu tháng 6/2010 với giá 8 - 12 triệu đồng/m2; đất vườn, trồng cây lâu năm được chào bán 400 - 800 triệu/sào tùy vị trí. Tại các xã Kim Sơn, Cổ Bi, Phú Thị thuộc huyện Gia Lâm, giá đất được chào bán từ 10 - 15 triệu đồng/m2. Tại khu vực phía Nam như Ngọc Hồi, Thường Tín, giá dao động 15 - 20 triệu đồng/m2. Đến thời điểm này, các mức giá trên đã tăng thêm ít nhất 20% đến 30%.

Giao dịch thành công ít

Tuy nhiên, biến động về lượng giao dịch và giá cả không đồng đều giữa các khu vực. Giá đất phía Tây tăng đều đặn, còn các khu vực phía Bắc, Nam và Đông chỉ tăng từ đầu năm nay. Đất thổ cư tại các địa điểm đã hoặc sắp có quy hoạch cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, khu vực này chủ yếu là mua đi bán lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.

Đặc biệt, thời điểm giá vàng liên tiếp lập kỷ lục vào tháng 11/2010, thị trường bất động sản cũng lên “cơn sốt” về giá, nhưng giao dịch thành công rất ít. Anh Quang Sáng, nhân viên Trung tâm giao dịch bất động sản Đức Hạnh, ngay trước cổng dự án Vân Canh do HUD làm chủ đầu tư cho biết: “Tuy miền Bắc không mua bán bất động sản bằng vàng, nhưng do giá vàng lên nhanh quá nên những người có đất không muốn bán, họ nói ‘mỗi ngày mỗi giá’ nên chẳng ai dám mua bán”.

Thời điểm tháng 6/2010, giới chuyên gia nhận định, cơn sốt đất diễn ra tháng 4 và 5/2010 chỉ là “sóng ngắn” của thị trường bất động sản. Sau khi bị đẩy lên quá cao, giá sẽ phải điều chỉnh lại, vì giá đất nền tại nhiều dự án đã tăng lên 40 - 60%, đặc biệt, đất thổ cư tại một số khu vực tăng tới 200%. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư phải tạm ngừng mua vào để tránh rủi ro. Thế nhưng, những nhận định trên đến thời điểm này có thể nói đã bị “phá sản”, khi giá bất động sản không những không giảm, mà còn tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân khiến giá đất bị đẩy lên cao chủ yếu do tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo. Ngoài ra, đầu tư bất động sản vẫn được cho là kênh an toàn có lợi nhuận cao, trong khi kênh vàng và chứng khoán không ổn định. Nhiều ngân hàng không nhận gửi tiết kiệm bằng vàng, nên người dân đổ tiền vào bất động sản.

Theo ông Hà, một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng sốt đất là cơ sở hạ tầng giao thông tại các huyện ngoại thành thuộc Hà Tây cũ ngày càng tốt hơn. Việc hoàn thành các tuyến đường lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như đường 32, đường Láng - Hòa Lạc cũng làm cho giá đất tại một số khu vực ven đô tăng cao.

Trở lại dự án Đại học Vân Canh, phóng viên ĐTCK ghi nhận, việc triển khai dự án rất “đủng đỉnh”. Một nhà đầu tư nhà ở quận Hà Đông đang “ôm” 5 ô đất tại đây tỏ ra sốt ruột. “Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao đất sau 12 tháng ký hợp đồng, nhưng tôi ký từ tháng 7/2009 đến nay mà chẳng biết đến bao giờ mới nhận được hợp đồng”, nhà đầu tư này nói. Nhìn thực trạng dự án và đường sá đi lại, phải một thời gian khá dài nữa thì dự án đó mới có người ở. Các nhà đầu tư “đón sóng” tại đây đang đứng trước nguy cơ bị “chôn vốn”.
Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland