27/12/2010 12:37 PM
Hầu như chung cư nào mới xây lên cũng được gắn mác “chung cư cao cấp”. Người dân vì quá tin vào cái mác “cao cấp” đó mà bỏ ra hàng tỉ đồng, có khi hàng chục tỉ đồng để mua căn hộ rồi khi sống ở đó phải “dở khóc, dở cười”

Cao cấp mà như …thấp cấp

Nếu những ai sống ở chung cư, nhất là chung cư cao cấp (CCCC) ắt hẳn sẽ chưa quên những chuyện tưởng như đùa về chất lượng của những CCCC. Sau ba năm CCCC Mỹ Đình (Hà Nội) do Tổng Cty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico làm chủ đầu tư đưa vào sử dụng đã rơi vào tình trạng bong tróc, tường ngấm nước, hôm mưa to phải lấy chậu ra hứng… Gần 50 hộ dân sống ở các căn hộ thuộc khu CT1, CT4, CT5, CT6, CT9 của CCCC đó đã làm đơn kiến nghị ròng rã hai năm trời mới được chủ đầu tư cho người ngó qua, dân muốn sửa thì phải chờ bởi chủ đầu tư nói còn phải thực hiện đủ khâu kiểm tra thẩm định, lập hồ sơ, trình lãnh đạo, thuê đơn vị xử lý…

Còn chung M3 – M4 Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội, sau khi hoàn thành toàn bộ tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà đã được “cải tạo” thành nhà hàng, quán cà phê khiến tường và móng nhà bị lún, nứt. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng để mong giải quyết vấn đề này nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.

Gần đây, một loạt các CCCC ở TP HCM sau một thời gian ngắn sử dụng đã bị khách hàng “tố” là đang xuống cấp và bị đặt câu hỏi nghi ngờ về chất lượng. Điển hình là vụ việc ở Chung cư cao cấp Orient ở quận 4, mới đưa vào sử dụng từ tháng 7.2010, nhưng có hộ dân mới dọn đến ở 3 tháng thì đã có 2 lần gặp sự cố thang máy... rơi tự do. May mà có phanh cơ học nên hộ dân đó đã giữ được mạng sống của mình.

Cũng tại CCCC Orient này, lại có hộ dân phản ánh đi công tác nước ngoài một tuần, chậm nộp tiền điện, đơn vị quản lý tòa nhà ngang nhiên cắt điện. Rồi phí giữ ô tô quá cao, chủ đầu tư không cho đỗ ô tô dưới tầng hầm, dân buộc phải đỗ trên lối đi, trong khi tầng hầm rộng rãi, là sở hữu chung và có chức năng giữ xe. Chưa hết, những hộ dân ở CCCC này còn phản ánh chuyện nước thải hôi thối trào ngược vào nhà…Còn biết bao chuyện “dở khóc, dở cười” nữa ở các CCCC mà chưa được người dân lên tiếng?!

Đeo “mác” chung cư cao cấp để đẩy giá bán


Tình trạng mua nhà trên giấy đã khiến bao khách hàng phải “ngậm bò hòn làm ngọt” ngay sau khi tiếp nhận một căn hộ chung cư chẳng đúng hoàn toàn như những điều mà chủ đầu tư đã quảng cáo trước đó cũng như những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.

Chủ đầu tư sẽ kiếm lời nhiều hơn từ chính việc bán căn hộ, giá bán chung cư bình thường so với CCCC thường chênh nhau từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi mét vuông, tùy từng địa điểm. Lợi dụng tâm lý khách hàng nghĩ rằng, cứ giá cao là cao cấp nên chẳng mất gì mà chủ đầu tư không quảng cáo để kiếm thêm lợi nhuận.

Khi ở trong những chung cư gắn “mác” cao cấp thì người dân cũng phải chi trả những khoản tiền tương ứng với cái “mác” đó. Nghĩa là, mức phí của những CCCC cũng cao gấp 2-3 lần chung cư khác.

Khi các chủ đầu tư đua nhau xây dựng các dự án chung cư cao tầng và với nhiều “chiêu” quảng cáo trên mọi kênh khiến người dân có nhu cầu mua một căn hộ chất lượng và thực sự “cao cấp” quả chẳng dễ dàng chút nào. Bởi lẽ, chuẩn nào cho CCCC, cơ quan nào thẩm định và xác nhận đó là chung cư “cao cấp” lại đang là một câu hỏi đối với những người có nhu cầu mua và ở chung cư?! Xét cho cùng, sự mập mờ “cao cấp” này cũng chỉ khổ người dân mà thôi.

Bài 2: Thiếu thước đo chung cư cao cấp

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland