10/06/2023 10:22 AM
Nguyễn Ánh và Quỳnh Mai (cùng SN 1993) góp vốn mua một căn hộ tại quận 12, TP.HCM, nhưng hiện tại cả hai đang xảy ra tranh chấp vì một người muốn bán, một người muốn giữ.

Dù đã ở chung với nhau cả chục năm, nhưng tình bạn của Nguyễn Ánh và Quỳnh Mai đang dần nguội lạnh vì không tìm được tiếng nói chung.

Sau gần chục năm làm việc tại thành phố, Nguyễn Ánh tích góp được khoảng 700 triệu đồng. Công việc chính của cô là Chuyên viên Merchandiser hay còn được gọi là chuyên viên quản lý đơn hàng cho một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Mức lương của cô dao động khoảng 20 triệu/tháng.

Tương tự, Quỳnh Mai cũng làm việc tại một công ty thời trang với vị trí nhân viên mua hàng. Mức lương của Mai cố định 15 triệu đồng/tháng.

Cả hai thuê trọ cùng nhau ngay từ khi mới ra trường đi làm. Mỗi tháng sau khi trừ hết các khoảng tiền trọ, điện nước và các chi phí sinh hoạt khác, Ánh tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn Mai tuy thu nhập ít hơn nhưng cô là người khá tiết kiệm nên cũng để ra được 7 triệu đồng/tháng.

Mặc dù ở chung với nhau gần chục năm trời nhưng Ánh và Mai chưa từng xảy ra cuộc cãi vã nào, thậm chí họ hứa hẹn sẽ mua một căn hộ để ở chung.

“Đầu năm 2022, bọn mình quyết định dồn hết tiền tiết kiệm mỗi người 700 triệu đồng mua căn hộ hai phòng ngủ rộng 68m2 tại quận 12. Căn hộ thời điểm đó có giá 2,2 tỉ đồng nên bọn mình phải vay ngân hàng thêm 800 triệu đồng trong vòng 5 năm với lãi suất 9%. Một tháng trả gốc và lãi cố định là 16,6 triệu đồng” – Ánh chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu, cuộc sống ở chung vẫn như 10 năm qua, nhưng sau đó Quỳnh Mai bất ngờ kết hôn và chuyển đến ở căn hộ bố mẹ chồng mua cho. Mai chuyển đi, căn hộ còn một phòng trống nên Ánh bàn sẽ cho người đến thuê để bù đắp khoản vay, nhưng Mai lại không đồng ý.

“Mình thấy hơi khó chịu vì căn nhà là chung, giờ muốn làm gì lại phải xin ý kiến người còn lại. Việc cho người đến thuê là một phương án tốt để cả hai giảm áp lực trả tiền ngân hàng mỗi tháng, nhưng bạn mình không đồng ý thì mình đành chấp nhận vì dù sao cậu ấy cũng bỏ tiền bằng mình” – Ánh cho hay.

Không có bạn thân lại xảy ra bất đồng ý kiến nên Ánh quyết định bán căn hộ để tất toán ngân hàng. Nhưng một lần nữa cả hai lại không tìm được tiếng nói chung. Ánh muốn bán, nhưng Mai lại muốn giữ. Vì cô xem đây là tài sản riêng của mình.

Cho người thuê không được, bán cũng không xong vì cả hai đều đứng tên, căn nhà sẽ không thể bán nếu một trong hai không đồng ý. Không còn cách nào khác, Ánh đề xuất Mai lấy toàn bộ căn nhà và trả lại cô số tiền gốc ban đầu. Đồng nghĩa với việc Ánh chấp nhận mất đi số tiền gốc và lãi đã trả trong 6 tháng qua.

Tuy nhiên, Mai không đồng ý vì bản thân hiện không có số tiền lớn như vậy. Cuối cùng cả hai vẫn phải hoàn thành trách nhiệm trả nợ hàng tháng cho ngân hàng, còn tình bạn suốt bao năm qua đã dần nguội lạnh.

Khi chạm đến lợi ích sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn khi mua chung nhà.

Khi góp vốn mua chung đất, sẽ tồn tại 2 trường hợp. Thứ nhất là số tiền góp vốn của các bên là bằng nhau. Thứ hai là số tiền góp vốn chênh lệch người ít, người nhiều.

Với trường hợp góp vốn bằng nhau thì quyền lợi sẽ như nhau. Nhưng ở trường hợp thứ 2 sẽ dễ phát sinh tranh chấp về lợi ích. Để phòng tránh, tốt nhất nên lập hợp đồng thoả thuận cụ thể giữa các bên về phần đóng góp, tỉ lệ sở hữu của mỗi bên, các vấn đề về quản lý, phân chia nhà đất, chia lợi nhuận, định đoạt tài sản chung....

Theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai, nhà ở tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.

Nếu các bên không thể thống nhất, hòa giải được thì gửi đơn lên UBND xã nơi có đất tranh chấp đất để được giải quyết.

Trường hợp không thể giải quyết ở UBND cấp xã, có thể khởi kiện yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.