Cập nhật 14/05/2017 7:05 PM
Gần đây, nhiều người nói tới “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (CMCN 4.0). Về cơ bản, thuật ngữ này được hiểu là nói đến sự xuất hiện nhanh chóng của một loạt công nghệ mới nâng cao tính tương tác và tích hợp hệ thống. Nó bao gồm sự số hóa việc kiểm soát và truyền thông để tăng cường kết nối; sự xuất hiện các quy trình sản xuất mới.

CMCN 4.0 có tác động to lớn, toàn diện đến kinh tế - xã hội, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà lan rộng trên cả hành tinh, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nhanh hơn. Những tác động này tích cực trong dài hạn nhưng cũng đặt ra những thách thức trong ngắn hạn, thậm chí trong trung hạn. Việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất với robot thay thế hàng loạt người đứng máy, người bám hiện trường, thậm chí cả ở những công việc leo cao, luồn sâu... sẽ làm dôi dư nhiều lao động. Sức ép dư thừa ấy đè nặng nhất lên nông dân và vùng nông thôn - nơi sử dụng số lao động giản đơn nhiều hơn khu vực phi nông nghiệp.

Cơ may và thách thức

Đứng trước CMCN 4.0, điều đáng mừng là Việt Nam có lớp trẻ thông minh, sành điệu. Dù đi sau nhưng công nghiệp phần mềm của Việt Nam có những bước tiến thần tốc. Ngành này đã thu hút hơn 400.000 lao động trẻ, trình độ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Với khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, Việt Nam nằm trong “top 10” nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới. Việc sản xuất phần mềm không “ngốn” nguyên, nhiên liệu, cũng không tốn mặt bằng như các ngành sản xuất khác, nên dù giá trị sản lượng, kim ngạch xuất khẩu còn thua xa các ngành sản xuất khác song tỷ lệ giá trị gia tăng thì vượt trội. Ngành công nghiệp tiềm năng này hé lộ triển vọng cho cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Một cơ may có thể nhìn thấy nữa là cho ngành du lịch. Người ta không thể “khuân” danh lam thẳng cảnh, di tích đến tận nhà du khách như giao hàng tại nhà. Những công nghệ mới không thể nhân bản vô tính hàng loạt Vạn Lý Trường Thành, vịnh Hạ Long hay đền Ăngko đem ban phát khắp nơi. Bất luận ai, dù giàu có, quyền lực, tài ba cỡ nào, nếu muốn thưởng ngoạn đều phải đi tới đó. Công nghệ mới chỉ có thể giúp du khách đến nhanh, đến nhiều lần, ở lại lâu hơn với đầy đủ tiện nghi bằng nhiều dịch vụ tối ưu. Cái “độc quyền thiên bẩm” này sẽ làm cho hoạt động du lịch lên ngôi trong thời vận mới.

Nhưng làn gió CMCN 4.0 đến Việt Nam cũng đã nhanh chóng cho thấy những thách thức. Ngành điện không thể mãi ung dung với nhiệt điện cùng với sức ép nhập than và xỉ bụi, mà phải là điện gió, điện mặt trời. Ngành dệt may, giày dép, nếu cứ tiếp tục duy trì như hiện tại sẽ khiến đống vật liệu phế thải khó phân hủy ngày càng chất cao.

Mấy năm gần đây, ngành may gia công nước ta đã phải cạnh tranh khốc liệt trên bình diện toàn cầu với một bên là nhân công rẻ hơn từ Campuchia, Bangladesh, Myanmar... và bên kia - người máy được sử dụng ngày càng rộng rãi ở các nước phát triển và ngay cả ở Trung Quốc. Sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra việc sa thải lao động, kể cả những người thạo việc.

Để khởi động

Bối cảnh hiện tại không buộc ta phải lần lượt “bò” qua các bước còn dang dở của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước. Định hướng xuyên suốt là khẩn trương chuẩn bị các cơ sở tốt nhất để bước lên con tàu CMCN 4.0 và triển khai ngay khi có điều kiện.

(1) Gấp rút “thanh lý” những tồn đọng do tăng trưởng nóng trước đây. Việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải quán triệt nội hàm của CMCN 4.0. Xây dựng, hiệu chỉnh chiến lược dài hạn, kế hoạch ngắn hạn; chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ mới. Ban hành, điều hành các chính sách cơ chế phát triển kinh tế - xã hội một cách sáng tạo, lành mạnh.

(2) Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ mới, khuyến khích canh tân sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chịu nhiều sức ép qua CMCN 4.0, các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

(3) Thúc đẩy liên kết ngành, vùng; hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp ứng dụng, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên phát triển một số ngành mũi nhọn.

(4) Tận dụng giai đoạn dân số chưa già và có lớp trẻ ham học hỏi, nhạy bén với cái mới. Tích cực chuẩn bị “đội quân chủ lực” cho cuộc cách mạng. Đổi mới giáo dục đào tạo; khơi dậy, chắp cánh cho ước vọng của lớp trẻ từ cấp học đầu đời. Tận dụng những thành tựu trí tuệ mới. Khích lệ sự liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức đào tạo, rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết tới thực hành, từ nghiên cứu tới ứng dụng.

Nguyễn Duy Nghĩa (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….