Cập nhật 01/02/2012 2:14 AM
Website chia sẻ Megaupload bị đóng cửa khiến rất nhiều trong số 180 triệu thành viên lo lắng còn các dịch vụ khác đang vội vã xóa file để tránh gặp rắc rối tương tự. Đây được coi là thất bại lớn nhất của điện toán đám mây.

Megaupload, với 50 triệu người truy cập (visitor) mỗi ngày, bị FBI và Bộ tư pháp Mỹ xóa xổ với tội danh chia sẻ nội dung trái phép như phim, nhạc, chương trình truyền hình... Nhưng nó còn là một trong những dịch vụ lớn nhất thế giới về cung cấp khả năng lưu trữ và truyền tải file cá nhân cho hàng triệu người dùng hợp pháp.

Luật sư của Megaupload mới lên tiếng khẳng định 2 công ty lưu trữ là Carpathia Hosting và Cogent Communications sẽ bảo toàn dữ liệu của dịch vụ trong ít nhất hai tuần tới thay vì bắt đầu xóa từ ngày 2/2 như yêu cầu ban đầu. Tuy nhiên, có vẻ kết cục mất file vĩnh viễn, trong đó có nhiều dữ liệu quan trọng như ảnh gia đình, sáng tác cá nhân..., là khó tránh khỏi.

Người dùng chưa thể truy cập để lấy lại dữ liệu trên Megaupload. Ảnh minh họa: Blogsolute.

Đây chính là điều người ta vẫn lo ngại khi bước vào kỷ nguyên điện toán đám mây. Nhiều nhà sản xuất tung ra các thiết bị di động với dung lượng hạn chế và khuyến khích khách hàng lưu file trực tuyến để có thể truy cập "mọi lúc mọi nơi". Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu dịch vụ cloud đó bất ngờ bị đóng cửa vì lý do mà người dùng không ngờ tới hoặc bị hacker tấn công? Các bức ảnh quý giá như bà nội bế cháu trong ngày sinh, hình ảnh bịn rịn chia tay người thân đi nước ngoài... sẽ hoàn toàn không thể tìm lại. Họ sẽ sẽ cần mua ổ cứng dự phòng để chứa file và tránh rủi ro, nhưng khi đó, viễn cảnh về một thế giới hoạt động "trên mây" không còn tuyệt vời nữa.

"Chưa bàn đến chuyện vi phạm bản quyền, việc Megaupload bị đóng cửa là tin dữ cho toàn ngành công nghệ điện toán đám mây", Julie Samuels, một luật sư ở San Francisco (Mỹ), nhận xét trên báo Wall Street Journal. "Đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự kiện này đang định hình lại ngành công nghiệp điện toán".

Phản ứng của các dịch vụ chia sẻ online

Các website như Filesonic và Fileserve đã tự bảo vệ mình bằng cách vô hiệu hóa tính năng "chia sẻ", tức người sử dụng hiện nay chỉ có thể upload dữ liệu lên nhưng người khác không thể tải file đó về. FileSonic đổi khẩu hiệu của mình thành "Dịch vụ lưu trữ nhanh chóng và dễ dàng" và tảng lờ chức năng chia sẻ. Động thái này khiến các thành viên thất vọng vì mất đi tính năng chia sẻ thì không còn là Internet nữa.

Trong khi đó, người sử dụng Uploaded.to tại Mỹ khi truy cập website sẽ chỉ nhìn thấy thông báo "Dịch vụ của chúng tôi không tồn tại ở nước bạn. Rất tiếc về điều này". UploadBox còn tự đóng cửa và trên trang chủ khẳng định mọi file bắt đầu bị xóa từ 30/1.

Rapidshare, một trong những dịch vụ chia sẻ file tiên phong, tuyên bố không thay đổi bất cứ chính sách nào sau sự kiện Megaupload và không lo lắng về chuyện sẽ bị luật pháp "sờ gáy".

Mediafire cũng đã nhanh tay "kiểm duyệt" những nội dung trái phép và khiến nhiều người dùng tại Việt Nam "thở phào" khi CEO của họ tuyên bố trên Venture Beat rằng hoạt động kinh doanh của Mediafire hoàn toàn hợp pháp và không vi phạm như Megaupload.

Phản ứng của người sử dụng

Một số người sử dụng tại Việt Nam coi đây là "điềm xấu đầu năm", báo hiệu 12 tháng bất ổn của Internet. Số khác tiếc nuối vì không kịp lưu lại thông tin trên dịch vụ này. Còn đa số thành viên Megaupload chỉ biết thốt lên: "Giờ này vẫn không thể tin được Megaupload đã ra đi. Đây sẽ là một bước ngoặt lớn trong việc chia sẻ trên Internet".

"Megaupload vẫn luôn là nơi mà mình lui tới kiếm nhạc karaoke cùng rất nhiều thứ khác vì nó cho phép upload file với dung lượng rất lớn. Vẫn còn cả kho nhạc vàng chưa tải hết 1/10, trong đó có nhiều bài khó tìm được VCD hay DVD ngoài thị trường vì nó đã quá xưa, giờ thì theo mây khói cả rồi", thành viên trên một diễn đàn công nghệ nổi tiếng tại Việt Nam than thở.

"Coi như xong 200 euro mua tài khoản trọn đời của Megaupload. Dữ liệu cá nhân trên đó đến cả 200 GB, giờ không rõ Mỹ có mở lại máy chủ để tải về không nữa. Megaupload còn cung cấp dịch vụ cho các công ty nên xác suất bị kiện là rất cao. Vụ này rồi sẽ đi về đâu?", một thành viên khác chia sẻ

Theo đại diện của một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ tại Việt Nam, tuy không có số liệu cụ thể nhưng có thể khẳng định lượng file cá nhân của người dùng trong nước được lưu trên Megaupload rất lớn. Sau sự kiện này, nhiều người chỉ biết cầu mong các dịch vụ được ưa chuộng còn lại như Mediafire, Filesonic và Fileserve không bị khai tử, còn số khác lại tìm đến các dịch vụ chia sẻ "nội" như Fshare.vn.

Song song với việc Megaupload bị đóng cửa, một sự kiện khác liên quan đến chuyện vi phạm bản quyền trên Internet cũng rất được quan tâm là dự luật SOPA và PIPA của Mỹ. Ngày 20/1, tác giả của SOPA là Lammar Smith đã xin rút lại việc xem xét "dự luật có khả năng giết chết Internet và ngành công nghiệp giải trí thế giới". Đồng thời, nguời đứng đầu Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Harry Reid, đã công bố thông tin hoãn thời gian bỏ phiếu của PIPA (tiền đề của SOPA). Sau đó, Hiệp hội phần mềm giải trí ESA cũng tuyên bố không tiếp tục ủng hộ dự luật này. SOPA (Stop Online Piracy Act) và PIPA (Protect Intellectual Property Act) là hai dự luật gây tranh cãi có mục đích gần giống nhau: Nếu một site đặt máy chủ ở nước ngoài có nội dung vi phạm bản quyền, tòa án Mỹ sẽ có quyền xóa sổ trang web đó (ngăn truy cập của người Mỹ đến trang web, yêu cầu Google loại bỏ khỏi công cụ tìm kiếm...).
Theo Châu An (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….