Startup gọi xe của Singapore tạo doanh thu bằng cách dựa vào hoạt động liên kết dịch vụ với bảo hiểm, bán quảng cáo, dữ liệu...

Ứng dụng gọi xe MVL của startup MVLchain vừa có bước đi đầu tiên để tiếp cận thị trường Việt Nam. Buổi giới thiệu nhỏ về ứng dụng này vừa được tổ chức tại một khu văn phòng chia sẻ ở quận 1, TP HCM cuối tuần qua. Cùng với đó, MVLchain cũng đã bổ nhiệm trưởng đại diện tại Việt Nam.

MVLchain được hình thành năm 2012, bởi một nhóm nhà sáng lập chủ yếu là người Hàn Quốc tại New York (Mỹ). Tuy nhiên, công ty được đăng ký thành lập chính thức ở Singapore và đang hoạt động tại các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore thông qua nền tảng easi6, cung cấp dịch vụ đặt trước với hơn 25.000 phương tiện đang vận hành. Gần đây, MVLchain đã trở thành đối tác chính thức của thế vậṇ hội PyeongChang Winter Olympic về dịch vụ vận chuyển.

Ông Kay Woo - Nhà sáng lập kiêm CEO MVL cho biết đang nhắm đến Việt Nam như thị trường chính của công ty. Hiện MVL đang nộp hồ hơ thành lập pháp nhân ở Việt Nam với tư cách là một công ty công nghệ thông tin. Dự kiến, đợt tuyển mộ tài xế đầu tiên sẽ được tổ chức ngay trong tháng này. Nếu thủ tục pháp lý hoàn tất đúng tiến độ, ứng dụng sẽ chính thức "tham chiến" thị trường vào tháng 7 tới.

Ông Kay Woo chia sẻ về ứng dụng của MVL tại TP HCM cuối tuần qua. Ảnh: Viễn Thông

"Mô hình dịch vụ của chúng tôi tương tự với Uber và Grab nhưng công nghệ đằng sau thì khác biệt. Hai hãng này có giải pháp khá truyền thống. Đằng sau dịch vụ của họ là tập trung hóa cơ sở dữ liệu vào server. Tất cả dữ liệu được thu về đó và họ sử dụng cho riêng họ. Trong khi đó, dữ liệu của chúng tôi được lưu bằng công nghệ blockchain.

Điều đó có nghĩa dữ liệu là sở hữu của tất cả người cung cấp, nên nó minh bạch và mọi người có thể sử dụng mang lại lợi ích cho mình", ông Kay Woo nói công ty sẽ là ứng dụng gọi xe dùng công nghệ blockchain đầu tiên tại Việt Nam, và tuyên bố sẽ không thu phí hoa hồng từ tài xế hay bất kỳ khoản phí gì từ người dùng. Người dùng chỉ phải trả một khoản phí nhỏ nếu thanh toán trực tuyến vì ứng dụng cần thanh toán phí dịch vụ cho các tổ chức thẻ tín dụng.

Cũng vì khẳng định không có doanh thu từ hoạt động kết nối tài xế và người dùng nên nhà sáng lập cho biết sẽ không đổ tiền làm khuyến mại, mà thu hút hành khách bằng giá cước rẻ, nhờ không hoa hồng.

Không chỉ chiêu mộ tài xế bằng chiến thuật không hoa hồng. MVL còn thiết lập cơ chế tặng điểm thưởng dựa vào đánh giá của hành khách sau mỗi chuyến đi. Điểm thưởng có thể được quy đổi thành một loại token (tiền điện tử của riêng hệ sinh thái này phát hành).

"Loại tiền này không được phép sử dụng như phương tiện thanh toán. Tài xế có thể giữ lại hoặc mang bán trên các sàn chấp nhận giao dịch chúng", ông Kay Woo nhấn mạnh token chỉ là một loại tài sản để đầu tư.

Giải thích thêm về nguồn thu để duy trì, nhà sáng lập cho biết công ty dựa vào hàng loạt hoạt động như liên kết dịch vụ với bảo hiểm, các đơn vị kinh doanh xe qua sử dụng, bán quảng cáo và bán dữ liệu cho các đơn vị bảo hiểm, các tổ chức nghiên cứu thị trường...

Tuy nhiên, khi VnExpress đặt vấn đề liệu có phải MVL "sống còn" nhờ vào sự di chuyển của dòng tiền ảo trong hệ sinh thái, thông qua việc giao dịch token thì ông Kay Woo không phủ nhận.

"Chúng tôi cần thêm thời gian để giới thiệu và tạo niềm tin của thị trường về công nghệ blockchain, tương tự như những gì điện toán đám mây đã phải trải qua", ông nói và cho biết mục tiêu dài hạn là thu hút được 25% tổng lượng xe con 4 bánh và xe hai bánh đang vận hành ở Việt Nam tham gia.

"Chúng tôi không có doanh thu về dịch vụ đặt xe nên không phải đóng thuế cho khoản này ở Việt Nam", bà Hoàng Song Biên - Trưởng đại diện tại Việt Nam của MVL cho biết. Tuy nhiên, bà khẳng định đang tìm hiểu các quy định và sẵn sàng nhận hướng dẫn của cơ quan chức năng để đóng các khoản thuế khác với chức năng một công ty IT theo pháp luật.

Có thể thấy, trường hợp MVL thực sự đi vào hoạt động và không phát sinh doanh thu từ việc gọi xe thì ứng dụng này có thể vẫn phải tiến hành thu hộ thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân của tài xế như những gì Uber đã từng phải làm.

Viễn Thông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.