Khi Go-Viet vào Việt Nam và nhanh chóng tung ra nhiều khuyến mại để chiếm lĩnh thị trường, nhiều người hy vọng đây sẽ là đối thủ xứng tầm cho vị thế thượng phong của Grab.
Grab đáp lại bằng các chương trình giảm giá sốc, được coi là có thể “bóp chết” đối thủ khi còn trong trứng nước.
Tuy nhiên, khi mà 2 dđối thủ đến từ Malaysia và Indonesia đang giành giật thị trường Việt Nam, nhiều người tiêu dùng thắc mắc các ứng dụng gọi xe thuần Việt vừa ra mắt rầm rộ đang ở đâu.
Mai Linh Bike ‘biến mất’, VATO ‘ngụp lặn’
Giữa tháng 11/2017, Mai Linh ra mắt trung tâm xe công nghệ, đồng thời ra mắt dịch vụ gọi xe ôm công nghệ mang tên Mai Linh Bike tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Việc một hãng taxi tham gia vào thị trường xe ôm công nghệ khiến nhiều người bất ngờ.
Càng bất ngờ hơn khi vào thời điểm đó, thị trường đã có hai ông lớn ngoại Uber và Grab, Mai Linh vẫn tuyên bố phát triển hơn 10.000 xe ôm công nghệ. Mục tiêu của Mai Linh là đạt 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020.
Mai Linh Bike từng rầm rộ tuyển tài xế, nhưng sau đó lại im hơi lặng tiếng. Ảnh: Hiếu Công.
Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa năm sau khi ra mắt, Mai Linh Bike gần như ‘biến mất’ trên các con phố. Khi mà mở ứng dụng ra thấy lượng tài xế thưa thớt, ở cách quá xa mình, khách hàng cũng không mặn mà đặt dịch vụ. Dù Mai Linh Bike có lợi thế là không tăng giá vào giờ cao điểm, hãng này lại gần như không có khuyến mại hấp dẫn khách hàng, ứng dụng chậm khiến nhiều khách hàng thất vọng về sự trải nghiệm.
Chắc chắn mục tiêu 10.000 tài xế Mai Linh Bike còn xa vời, chứ chưa nói đến con số 1 triệu vào năm 2020.
Một ứng dụng khác cũng được ra mắt rầm rộ tại Việt Nam là VATO, đặc biệt khi nhận được khoản tài trợ lên tới 100 triệu USD của đại gia trong ngành vận tải là Phương Trang. Trên kho ứng dụng Android, VATO đã có khoảng 100.000 lượt tải tại Việt Nam.
VATO đặt mục tiêu trở thành một sàn thương mại điện tử hoàn chỉnh, với nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ như: dịch vụ gọi xe (taxi); đặt vé (khách đi tuyến cố định); đặt xe (xe du lịch, xe hợp đồng); vận tải hàng hóa (xe tải, chuyển phát); xe ôm (motorbike).
Tuy nhiên đến nay, VATO mới có vẻ đang phát triển tốt ở phân khúc taxi công nghệ tại TP.HCM và Hà Nội. Với các dịch vụ khác, VATO gần như chưa phát triển.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành VATO, thừa nhận sau khi ra mắt rầm rộ, ứng dụng gọi xe này đang ở giai đoạn chững lại. Hãng này cũng chưa có nhiều chương trình hấp dẫn tài xế và khách hàng. Dự kiến cuối tháng 9, VATO mới tung ra các chương trình khuyến mại lớn, giành giật thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Giải thích về sự chững lại, ông Nam nhấn mạnh đến một nguyên nhân là thủ tục cấp phép cho hãng này vẫn chưa rõ ràng. Loại hình kinh doanh của VATO vẫn đang tranh cãi, từ đó việc cơ quan thuế tiến hành thu như thế nào cũng chưa rõ ràng. Do đó hãng này phải tạm ngừng “tăng tốc”, chờ xử lý xong về mặt pháp lý mới “bung sức”.
ABER đột ngột dừng, FastGo sẽ đi nhanh?
Không giống như VATO, một ứng dụng thuần Việt có tên là ABER bắt đầu với loại hình ABER Bike cạnh tranh trực diện với Grab. Sau khi Uber bán mình cho Grab, ABER Bike ra đời khiến khách hàng kỳ vọng đây sẽ là một ứng dụng đủ sức thay thế Uber.
ABER cũng mang “một làn gió mới” khi là ứng dụng đầu tiên tuyên bố không thu chiết khấu trên từng cuốc xe của tài xế. ABER thu phí hàng tháng với tài xế dựa trên mức thu nhập. Ví dụ các đối tác xe máy sẽ được miễn phí sử dụng app nếu tài xế có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng; thu nhập từ 500.000-1.499.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 70.000 đồng; thu nhập từ 1.500.000-1.999.000 đồng/tháng sẽ đóng 150.000 đồng…
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau khi ra mắt, ngày 8/6, ABER bất ngờ thông báo dừng hoạt động từ ngày 10/8.
Theo ABER, sau 2 tháng, ứng dụng này vẫn tồn tại một số lỗi từ hệ thống, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, ứng dụng này quyết định tạm ngưng hoạt động.
Từ đó đến nay, khách hàng vẫn chưa thấy ABER hoạt động trở lại.
FastGo mới được VinaCapital rót vốn. Ảnh minh họa.
Cũng bị trục trặc hệ thống sau khi mới ra mắt là FastGo. Tuy nhiên hãng này đã khắc phục nhanh chóng và đưa hệ thống hoạt động ổn định.
Trong các ứng dụng thuần Việt, FastGo có vẻ đang là ứng dụng có nhiều tiềm năng nhất để đuổi kịp Grab và Go-Viet.
Mới đây, FastGo nhận được khoản đầu tư chiến lược từ quỹ VinaCapital. Hãng này cho biết sau khi nhận được tiền đầu tư sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở rộng dịch vụ gọi xe ra toàn quốc.
FastGo cho biết sau 3 tháng chính thức hoạt động, hãng đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại Hà Nội và TP.HCM.
Gần đây, FastGo cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mại lớn như tặng gói trợ giá từ 10.000-20.000 đồng/cuốc xe và tuyên bố không tăng giá vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng đánh giá những gì mà FastGo thể hiện vẫn còn rất mờ nhạt, nếu muốn đuổi kịp Grab và Go-Viet.
Thị trường quá khốc liệt để các hãng gọi xe Việt bứt tốc?
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội, trong các ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam, Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường. Đặc biệt sau khi mua lại Uber, nguồn lực và hệ thống của Grab lại càng mở rộng và bao phủ.
Theo ông Liên, khi Grab đã xác lập vị trí thống lĩnh thị trường, rất khó để ứng dụng nào đó có thể cạnh tranh, lấy lại thị phần.
Việc Go-Viet tung các chương trình khuyến mại để thu hút cả tài xế và khách hàng cũng chỉ là áp dụng chiêu thức cũ của Grab, không có gì đột phá.
Ông Liên cảnh bảo khách hàng có thể đến Go-Viet bằng giá rẻ thì cũng hoàn toàn có thể bỏ đi khi không còn khuyến mại, giá cả tăng lên. Nếu không chứng minh về sự vượt trội, Go-Viet khó có thể giữ chân khách hàng lẫn đối tác.
Trong khi đó, theo ông Liên, các ứng dụng Việt vẫn còn yếu cả về công nghệ và nguồn lực. Các ứng dụng Việt muốn lấy thị phần trước hết phải có một phần mềm thật thông minh, nhanh nhạy, đáp ứng sự trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế.
“Muốn lôi kéo tài xế anh phải tạo thu nhập ổn định, khách hàng thường xuyên thì người ta mới gắn bó. Muốn lôi kéo khách hàng thì anh phải có dịch vụ thật tốt, giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mại. Như vậy phải vừa làm tốt việc có tài xế, vừa phải thu hút được khách hàng, đây là một thách thức không nhỏ”, ông Liên nói.
Nói về việc các ứng dụng Việt liệu có cạnh tranh với các ứng dụng ngoại, ông Liên cho rằng đó là câu chuyện đã được bàn rất nhiều, thậm chí là cả câu chuyện chung của giới taxi. Ông cho rằng doanh nghiệp cần đi từng bước vững chắc, lấy dần thị phần bằng chất lượng dịch vụ, giá cả, sự tin tưởng của khách hàng, từng khu vực khác nhau…
“Không được nóng vội mà cạnh tranh trực diện với Grab, Go-Viet bởi mình yếu cả về công nghệ và nguồn lực. Cần phải đi từng bước một, lấy lại thị phần ở từng tập khách hàng, từng khu vực bằng những giá trị riêng, những chiến lược thông minh”, ông Liên nói.
-
Cuộc chơi của các “ông lớn” xe công nghệ: Ai đang thống trị thị trường?
15/10/2024 1:55 PMThị trường xe công nghệ Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa ba ông lớn: Grab, Be, và Xanh SM, đặc biệt sau khi Gojek và Baemin rút lui khỏi Việt Nam. Cuộc đua không chỉ tập trung vào dịch vụ gọi xe mà còn ở mảng giao đồ ăn, nơi các thương hiệu lớn liên tục tìm cách thu hút người dùng và giữ vững thị phần.
-
Vài giờ làm tỷ phú của nhà đồng sáng lập Grab
04/12/2021 8:45 AMCú sụt giá 21% của cổ phiếu Grab khiến nhà đồng sáng lập Anthony Tan của công ty này chỉ được làm tỷ phú trong vài giờ đồng hồ.
-
Lãnh đạo Grab sẽ sở hữu 1,2 tỷ USD sau sáp nhập
22/04/2021 5:22 PMTài sản của đồng sáng lập kiêm CEO Anthony Tan cùng 2 lãnh đạo khác của Grab sẽ tăng vọt sau vụ sáp nhập kỷ lục hồi giữa tháng.
-
Grab công bố vụ sáp nhập kỷ lục để niêm yết tại Mỹ
13/04/2021 8:00 PMGrab được định giá gần 40 tỷ USD trong thương vụ sáp nhập lớn chưa từng có với một công ty SPAC, mở đường cho niêm yết tại Mỹ.
-
Ông lớn số 1 Việt Nam dính cú sốc, lỗ nặng khó gượng, nghìn người mất việc
28/01/2021 3:49 PMĐại gia số 1 trên thị trường taxi Việt Nam thủng túi và chứng kiến cả nghìn nhân viên mất việc sau khi chịu 2 cú sốc chưa từng có: sự xuất hiện của taxi công nghệ như Uber, Grab và đại dịch Covid-19.
-
Tại sao Grab kỳ kèo, không nhượng bộ tài xế 1%?
16/12/2020 1:44 AMNếu Grab chấp nhận giảm 1% tỷ lệ chia sẻ doanh thu, tài xế sẽ có thêm thu nhập trên mỗi cuốc xe và hãng vẫn đảm bảo doanh thu. Nhưng Grab không chọn cách này.