Cập nhật 02/01/2016 9:38 AM
Mất khá nhiều thời gian để tìm nguồn rau an toàn cho con, vợ chồng chị My quyết định tự trồng, để rồi 2 năm sau trang trại 2.000 m2 rau hữu cơ mọc lên ngay giữa khu Thảo Điền, quận 2.

Đặng Lê My (29 tuổi) và Ngô Quang Vũ (34 tuổi), một người tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và một là kỹ sư chuyên ngành Công nghệ thông tin hiện là chủ nông trang rau xanh mini tại quận 2 (TP HCM).

My cho biết sau khi kết hôn và có con, chị mất khá nhiều thời gian để tìm nguồn thực phẩm vừa sạch, vừa đủ dinh dưỡng nhưng phải truy được nguồn gốc xuất xứ để chuẩn bị bữa ăn dặm cho con.

Các nguồn rau tại chợ, thậm chí cả siêu thị chị My đều chưa tin, trong khi các rau củ đắt tiền thì sản phẩm không có độ tươi, ít nhất 2 ngày sản phẩm mới có thể từ vườn đến bếp. Điều đó cho thấy chỉ có vườn tại nhà, hoặc vườn trong nội đô thành phố áp dụng khoa học và công nghệ cao mới đáp ứng được cả 3 tiêu chí là sạch, tươi và đầy đủ dinh dưỡng.

"Tôi cùng chồng bắt đầu dành nhiều thời gian để quan tâm kiến thức về trồng trọt. Càng học, cả hai càng thấy thích và muốn chia sẻ những gì mình biết đến cộng đồng. Nhờ đó ý tưởng về một nông trại - nơi mà tất cả mọi người đều có thể đến tham quan tự do và đặc biệt các bạn nhỏ có thể đến học làm nông dân thực thụ, được cả hai bàn tính", chị My kể lại.

Đầu năm 2013, vợ chồng anh chị bắt tay thực hiện kế hoạch lập nông trang Cánh Cam (tên thân mật của con đầu). Không giống như lĩnh vực kinh doanh khác, làm nông nghiệp theo chị My, ngoài vốn, kỹ thuật, cần một quỹ đất rất lớn. Chị cho biết thời gian đầu cả hai khá vất vả để lo toan từng khâu một. Ngoài tiền vay mượn cộng với phần lớn tài sản tích góp, tổng cộng anh chị đã bỏ ra vài tỷ đồng cho dự án. Sau khi thu xếp được khoảng 2.000m2 để dựng giàn trồng và tạo nhà màng thì nhiều vấn đề mới phát sinh.

Với mong muốn sản phẩm cuối cùng sẽ đạt mức an toàn tuyệt đối, dù khó khăn về tài chính song anh chị vẫn quyết định cập nhật công nghệ mới nhất về giống, cải tạo đất cũng như hệ thống nhà màng từ các quốc gia nông nghiệp hàng đầu là Mỹ và Israel.

Tuy nhiên, khi chuyển giao công nghệ và triển khai tại mô hình đã vấp phải nhiều hạn chế như đất đai ở Việt Nam vừa thiếu dinh dưỡng, thừa độc tố do bị nhiễm độc nên khi cải tạo chi phí đắt đỏ. Hay việc xây dựng nhà màng tại đô thị sẽ khác nhiều so với trồng ở các vùng ngoại ô. Ngoài ra, anh chị phải điều chỉnh công thức dinh dưỡng cho các loại cây trồng để trở nên phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên. "Với mỗi công đoạn dù cố gắng co kéo nhưng chi phí cũng đội lên khá nhiều so với dự kiến ban đầu", chị chia sẻ.

Sau gần 2 năm chuẩn bị, tháng 5/2015, trang trại của vợ chồng chị My chính thức giới thiệu sản phẩm rau sạch ra thị trường. Đầu tư lớn để có sản phẩm rau hữu cơ, hoạt động thông qua quy trình chăm sóc hoàn toàn tự động hóa, song khi tiếp cận thị trường, sản phẩm sạch của nông trại cũng cũng không dễ dàng đến được với người tiêu dùng.

Theo chị My, có một nghịch lý đang tồn tại là người Việt sẵn sàng chi trả 100.000 đồng cho một phần thức ăn nhanh của nước ngoài và họ coi đó là giá rẻ. Song, cũng với số tiền đó, họ lại không muốn chi để mua rau xanh. Nhiều người vẫn quan niệm rau là đồ giá rẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, để có một cây rau từ hạt giống cho đến lúc thu hoạch phải mất 45-50 ngày. Do đó, nếu bỏ ra trên dưới 10.000 đồng rất khó mua được rau xanh an toàn.

"Thời gian đầu, nhiều khách thận trọng với sản phẩm rau của nông trang. Nhưng vì đây là mô hình thấy tận mắt, sờ tận tay nên khi khách hàng tìm đến tận nơi đều hào hứng vì họ thấy rõ quy trình trồng và chăm sóc", cô chủ nông trại cho biết. Từ sự giới thiệu truyền miệng cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của những khách hàng đầu tiên, dần dần lượng người tìm đến mua hàng cũng tăng lên. Thời điểm này nông trang bắt đầu có được lượng khách ổn định.

Sau 7 tháng đi vào hoạt động, hiện Cánh Cam đã có khoảng 100 giống, trong đó hơn 50 loại rau củ quả được thu hái mỗi ngày. Ngoài cung cấp nguồn rau hữu cơ, mô hình còn cung cấp các dịch vụ lắp đặt giàn rau trên sân thượng, thu hoạch, bán cây, lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, cải tạo đất cùng các dịch vụ về cải tạo cây trồng... Nhờ đó, dự án bắt đầu cho doanh thu.

Dù vậy, chị My cho biết ngoài mục đích giúp người dân đô thị có thể dễ dàng tìm được nguồn rau sạch, tươi và đủ dinh dưỡng, thông qua mô hình, chị còn muốn tạo ra một phong trào tự trồng rau sạch tại nhà, phủ xanh các ban công hoặc sân thượng của các gia đình. Với việc áp dụng hình thức trồng trọt áp dụng diện tích nhỏ (một m2 trở lên), công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, mỗi gia đình trong nội đô đều có thể sở hữu cho mình một “vườn rau” nhỏ xinh và tuyệt đối an toàn.

Đặt nông trại ngay trong lõi đô thị, để đảm bảo tiêu chí tươi, từ lúc hái đến khi giao tận nhà khách dưới một giờ, nên đối tượng khách hàng hướng đến của mô hình đầu tiên là cư dân sống quanh khu Thảo Điền tại quận 2. Chị cho biết hầu hết họ là những người có thu nhập cao, khắt khe trong chuyện ăn uống nên họ cũng chính là những thành viên giám sát kỹ tính nhất các hoạt động của nông trại. "Đó cũng chính là lý do chúng tôi quyết định đặt nông trại đầu tiên của mình tại khu vực này", chị nói.

Ngoài ra, khu vực có khá nhiều trường học, nên chị cùng nhân viên có cơ hội trao đổi thêm các kiến thức về trồng trọt, nông nghiệp đến các em học sinh thông qua các buổi thực giảng. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, nông trại dành thời gian đón tiếp các gia đình có con nhỏ tham gia trò chuyện về dinh dưỡng hoặc hướng dẫn kiến thức trồng cây tại nhà, giúp các bé có trải nghiệm khi tập làm nông dân nhí.

Với quy mô khiêm tốn hiện có, theo bà chủ nông trại, sản lượng rau xanh thu hoạch được còn ít so với nhu cầu trên thị trường. Dù khâu tưới, chăm sóc hoạt động tự động, song mô hình vẫn sử dụng khá nhiều nhân công để gieo hạt, thu hoạch, giao hàng, bán hàng... Chị hy vọng sau này khi có quỹ đất lớn, mức độ chuyên môn hóa cao hơn, thì năng suất và sản lượng sẽ phần nào đáp ứng rộng rãi với nhiều người dân trong thành phố.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển, chị My cho biết thời gian tới sẽ hoàn thiện nông trại để trở thành điểm trình diễn 3 công nghệ gồm: sạch, dinh dưỡng và tưới. Kế đến là mở rộng nông trại để đáp ứng nhu cầu của người dân dù việc quản lý không hề dễ dàng. Vì vậy, ngoài mong muốn nhận được sự quan tâm của chính quyền, vợ chồng chị My cũng đang tìm kiếm đối tác đầu tư để có thể nhân rộng dự án tại nhiều khu dân cư đảm bảo nguồn rau sạch tốt cho sức khỏe của cộng đồng.

Thành Tâm (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.