Bôn ba khắp nơi từ trong nước cho đến Campuchia, Lào và trải qua ba lần khởi nghiệp bất thành, anh Phan Bá Nam vẫn không hề nhụt chí khi đang ấp ủ dự án phân phối một loại trà thảo dược.

Tiếp tục khởi nghiệp dù 3 lần thất bại

Bôn ba khắp nơi từ trong nước cho đến Campuchia, Lào và trải qua ba lần khởi nghiệp bất thành, anh Phan Bá Nam vẫn không hề nhụt chí khi đang ấp ủ dự án phân phối một loại trà thảo dược.

Dưới đây là bài viết về câu chuyện thất bại sau ba lần khởi nghiệp do anh Phan Bá Nam chia sẻ với bạn đọc.

Tôi sinh năm 1982. Năm 2006, khi 24 tuổi, tôi đã quyết định ra kinh doanh bằng việc mở một quán thức ăn nhanh tại chợ đêm Kỳ Hòa, TP HCM. Tuy nhiên, sản phẩm mà tôi chọn bán lúc đó thuộc phân khúc khá cao - bánh mì kebab của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi đó, mỗi ổ bánh mì bình dân chỉ khoảng 4.000-5.000 đồng, còn sản phẩm của tôi sử dụng nguyên liệu cao cấp, cộng với chi phí thuê mặt bằng lớn nên giá bán tương đối đắt. Trong khi đó, khách đến chợ đêm Kỳ Hòa đa phần là giới bình dân như công nhân, sinh viên... vì thế bánh mì phong cách Thổ Nhĩ Kỳ của tôi đã thất bại.

Tháng 4/2007, tôi xin đi làm công trở lại. Và sau gần 5 năm làm thuê, từ một nhân viên marketing, tôi thăng tiến lên vị trí giám đốc điều hành một công ty con. Trong thời gian này, tôi cũng dành dụm được gần 500 triệu đồng.

Dù công việc đang ổn định, lương khá, tôi vẫn quyết định dừng ở đây để bắt đầu khởi nghiệp lần hai với một thử thách khó khăn hơn.

Tháng 1/2012, cầm số vốn 500 triệu đồng, tôi qua Campuchia tự mở công ty phân phối thiết bị điện. Kho hàng tôi thuê ở ngoại ô cách trung tâm Phnompenh khoảng 10 km. Sáu tháng chuyên phân phối thiết bị điện tại 18 tỉnh thành nước bạn, tôi như bạc tóc vì quá căng thẳng với bài toán mở mắt ra là tiền đâu nhập hàng, tiền đâu chi trả định phí hằng ngày, hằng tuần… Trong khi đó, sự cạnh tranh không lành mạnh tại Campuchia ngày càng nhiều, cuộc chiến gần như không cân sức với tôi.

Mặt khác, cộng sự của tôi khi đó tuổi trẻ lại hiếu thắng, dám thách thức các đơn vị phân phối "lắm của nhiều tiền", nhiều mối quan hệ, nhiều quyền lực của người bản địa tại các chợ sỉ lớn tại Phnompenh như Orussey, Olympic, New Market…

Anh Phan Bá Nam cho biết, sau khi hoàn thành lời hứa với Tổng giám đốc công ty bóng điện là phải xây dựng thành công thị trường miền Bắc, Tây Nguyên, anh sẽ tập trung thực hiện ước mơ của riêng mình.

Lúc đấy, cậu tuyên bố trong 6 tháng sẽ đẩy lùi các nhà phân phối sỉ ở chợ Olympic, chợ Orussey... và đánh lùi nhà phân phối chính thức của Philips tại nước này. Do vậy, khi thấy độ phủ sản phẩm do chúng tôi phân phối tại Campuchia khá tốt, nhiều nhà bán sỉ gốc Hoa tại đây đã tham gia vào việc đánh gục chúng tôi bằng cách khi xe bán hàng của tôi đi qua, các đơn vị khác sẽ cho cơ quan thuế vụ đến bắt giam hàng, giam xe, giam người... vì buôn tiểu ngạch, không thuế. Vài lần bị bắt như vậy khiến tôi gần cụt vốn, công việc kinh doanh ngày một khó khăn và rơi vào bế tắc.

Tháng 7/2012, tôi đành phải dừng việc phân phối thiết bị điện bên Campuchia do vòng xoay đồng vốn bị hụt hơi. Ngoài ra, tôi nhận thấy việc kinh doanh theo đường tiểu ngạch có quá nhiều rủi ro.

Gom "tàn quân" của mình còn một chiếc xe Hyundai cũ loại 12 chỗ đã tháo ghế để chở hàng, tôi cùng một nhân viên cũng là bà con xa người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đem một ít đồ điện còn tồn kho đi từ Phnompenh thẳng tiến Pakse, Champasak, Lào.

Đây là nơi có cộng đồng Việt kiều đông và tôi bắt đầu khởi nghiệp lần ba với những khó khăn rất lớn. Bởi vốn đã bốc hơi gần hết, tôi phải bán chiếc ôtô cũ tại cửa khẩu giáp ranh giữa Lào, Campuchia và một ít hàng tồn còn sót lại trên xe. Gom số vốn được khoảng 50 triệu đồng, tôi nhập hàng từ Việt Nam qua Lào bán dạo từ quần áo, keo 502, nhang, đồ điện, váy Lào...

Sau một tháng, người em bà con xa của tôi do không quen sống xa nhà, cảm thấy quá buồn nên đã xin về Việt Nam. Lúc đó chỉ có mình tôi sống bơ vơ nơi xứ người. Tôi nhớ nhà, nhớ người thân kinh khủng nhưng suy nghĩ nếu mình về lúc này thì sẽ lại trắng tay lần nữa, nên lại thôi.

Trong khoảng thời gian này, gần như có lễ hội Bun nào tại Lào, tôi đều tham gia để bán hàng. Những ngày bán dạo ở chùa, góc chợ Đào Hương, chợ km số 8, km 14, chợ Paksong…, trong cái nắng đổ lửa, tôi vẫn đầu trần, miệng rao bằng tiếng nước bạn. Khuya về ngủ, trong đêm giá lạnh tôi lại lo mất đồ vì chỉ có một mình.

Ban đầu buôn bán cũng được, nhưng dần dần, người Việt qua Lào kinh doanh ngày càng nhiều, cạnh tranh không lành mạnh trong khi người Trung Quốc thì có vốn lớn..., vì thế việc buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ như tôi ngày càng khó.

Hằng ngày rong ruổi khắp các chợ ở Viengchan, Savannakhet, Attapeu, Saravane, Sekong, Champasack, có những lúc vắng khách ngồi một mình suy nghĩ ở góc chợ, tôi thấy nhớ quê nhà da diết, nhưng làm sao để trở về với tình trạng thất bại ê chề.

Đến tháng 12/2012, bắt đầu thấy không ổn, tôi thay đổi cách làm ăn. Lúc đó tôi liên tưởng đến các công ty tại Việt Nam muốn xâm nhập thị trường tại Lào, Campuchia thì cần phải có nhân sự am hiểu để phát triển thị trường. Thế là tôi quyết định tìm kiếm và nộp hồ sơ giới thiệu về mình trên mạng. Trời không phụ công, sau gần một tuần tìm kiếm, có vài doanh nghiệp mời tôi về Việt Nam phỏng vấn, trao đổi công việc.

Đầu tháng 1/2013, tôi quay về lại Việt Nam và một công ty bóng đèn đã nhận vì cần chuyên viên phát triển thị trường quốc tế tại Myanmar. Đến tháng 3, tôi qua Myanmar với sự háo hức, mong chờ. Tôi vùi đầu vào làm như điên, cống hiến hết mình cho công việc, lần lượt chinh phục khó khăn, thách thức tại đây và được công ty thăng chức hai lần trong chưa đầy hai năm. Hiện tôi đang là giám đốc phát triển thị trường - vị trí tương đương với phó giám đốc bán hàng toàn quốc của công ty.

Tháng 10/2014, tôi dự định qua một công ty khác phụ trách vị trí giám đốc phát triển kinh doanh với thị trường chính là Nigeria. Trước khi chuyển việc, tôi đã có kỳ nghỉ phép một tháng để xả hơi. Tuy nhiên, trong thời gian này, tôi phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, đồng thời dịch Ebola tại Tây Phi lại chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hơn nữa, nghĩ tới cảnh sang Nigeria xa gia đình 6 tháng mới được về thăm nhà, tôi đã thay đổi ý định. Và cũng trong thời gian này, do không tìm được người thay thế phù hợp nên lãnh đạo công ty bóng đèn mời tôi về làm lại (làm ở Việt Nam) với một số điều khoản và chế độ phúc lợi tốt hơn.

Về bệnh tình, khi phát hiện ra bị tiểu đường, gia đình rất lo lắng, riêng tôi không hề tuyệt vọng mà luôn suy nghĩ sự việc dù nghiêm trọng, khó khăn đến mấy cũng sẽ có cách giải quyết. Tôi từng bước tìm hiểu về bệnh của mình, tăng cường tập thể dục, ăn uống điều độ, sử dụng bổ sung thảo dược hỗ trợ điều trị. Tôi biết đây là căn bệnh mãn tính, người bệnh phải dùng thuốc suốt đời. Mà khi dùng thuốc tây lâu dài sẽ gây tổn hại đến gan, thận chưa kể chi phí điều trị rất tốn kém.

Sau nhiều lần thử dùng các sản phẩm của người thân mang về, từ dây khổ qua rừng nấu thành nước uống đến các thang thuốc Nam, tôi vẫn thấy không ổn, nên tự mình đi tìm kiếm thông tin về cách điều trị căn bệnh này. Thật may mắn, trong một lần công tác xa, tôi tiếp cận một sản phẩm trà thảo dược, viên nén sấy khô làm từ dây thìa canh. Tôi uống thấy cũng hiệu quả. Sản phẩm do các nhà khoa học thuộc một trường đại học hàng đầu Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và tiến hành làm thương mại khá thành công.

Từ đây, tôi nhận thấy nhu cầu sản phẩm làm từ các loại thảo dược thiên nhiên để hỗ trợ điều trị các căn bệnh mãn tính với chi phí hợp lý mà ai cũng có thể dùng là rất lớn. Nghĩ là làm, chưa đầy 10 ngày tôi đã xây dựng website chuyên về các loại trà, sản phẩm từ thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, gout, tiểu đường, gan, huyết áp cao… Sau đó, tôi tiến hành tìm kiếm nguồn cung cấp chất lượng, đồng thời nhận phân phối toàn miền Nam cho riêng sản phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường.

Những ngày đầu, tôi và cộng sự vừa đi khắp nơi chia sẻ thông tin, vừa giới thiệu, tặng cho khách hàng dùng thử. Thậm chí trong 3-4 ngày đầu, khi chúng tôi đến tận các nơi có chức năng xét nghiệm đường huyết để tặng sản phẩm cho người bệnh, nhưng đa phần có tâm lý sợ người khác biết mình bị bệnh nên rất e ngại nhận lời dùng thử, dù là sản phẩm tặng.

Tôi không nản, vẫn kiên trì giới thiệu, tặng trà dùng thử qua các mối quan hệ cá nhân, bạn bè; email…, kết hợp với các công cụ marketing trực tiếp, online khác. Và rồi, sau những ngày miệt mài ấy, giờ tôi đã có được khách hàng ủng hộ. Bán được đơn hàng đầu tiên, dù chỉ 200.000 đồng nhưng tôi cảm thấy rất vui vì sự nỗ lực cố gắng của mình bắt đầu có kết quả.

Trong giai đoạn đầu (1-2 năm), tôi dự định bán các sản phẩm hiện có trên thị trường thông qua phương thức bán trực tiếp, bán qua kênh online, khai thác tiềm năng internet. Giai đoạn thứ hai, tôi sẽ gia công thương hiệu riêng để xuất khẩu, đồng thời gia tăng giá trị thặng dư như cho ra các sản phẩm giải khát đóng lon, đóng chai tiện lợi từ thảo dược 100% (không phải hương liệu, phẩm tạo màu...) nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính, bệnh về gan, ung thư, tiểu đường... với chi phí hợp lý nhất.

Với tư tưởng không có gì để mất, con người chỉ có một lần để sống nên tôi sẽ tiếp tục với đam mê của mình. Do vậy, sau khi hoàn thành lời hứa với Tổng giám đốc công ty bóng điện là phải xây dựng thành công thị trường miền Bắc, Tây Nguyên - việc mà gần 5 năm nay chưa một quản lý nào làm được, sau đó tôi sẽ tập trung thực hiện ước mơ riêng của mình.

Tôi luôn mơ đến ngày sản phẩm này không chỉ phổ biến tại Việt Nam, giúp cho người bệnh trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. “Không ai đánh thuế ước mơ cả, nếu đã mơ là phải mơ to”, tôi rất thích câu này của cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Thành Nam.

Với những ai dự định kinh doanh, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: "Không ai hoài vọng được sự hoàn hảo ngay từ lúc đầu. Mọi hành trình dấn thân vào vạn dặm đều khởi đầu bằng những bước chân. Hãy cùng nhau mở lối con đường thăm thẳm ấy bằng những bước chân dính đầy sình đất của người nông dân Việt Nam".

Phan Bá Nam (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.